Nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, nhớ lại bài thơ "Ba mươi năm đời ta có Đảng"
"Ba mươi năm đời ta có Đảng" là một bản diễn ca lịch sử có giá trị nội dung và nghệ thuật lớn của Tố Hữu, tổng kết một quá trình lịch sử, trữ tình, tạo thành mối gắn kết nghĩa tình giữa Đảng và nhân dân.
Trải qua 92 năm kể từ khi ra đời, đến nay Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đập tan ách xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, giải phóng miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, quét sạch chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, đưa đất nước Việt Nam sang một trang mới của lịch sử dân tộc, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Ngày nay, trong thời kì hội nhập quốc tế, Đảng lại lãnh đạo nhân dân ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới, đưa sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử cách đây 62 năm, đó là năm 1960, thời kỳ mà Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo nhân dân chuẩn bị thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, trong niềm hân hoan tươi đẹp của những mùa xuân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Là một nhà lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng là một thi sĩ, Tố Hữu đã nhớ lại quá trình từ khi Đảng ta mới ra đời đang còn trứng nước, biết bao chiến sĩ cách mạng đã đầu rơi máu đổ để đến ngày hôm đó miền Bắc nở rộ những mùa hoa.
Vào đầu bài thơ "Ba mươi năm đời ta có Đảng", ông sung sướng như reo lên với đồng chí mình: "Anh chị em ơi!/ Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quảng đường dài…/ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm…".
Có một số ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu mang tính chiến đấu cao. Vì thế, thơ ông có nhiều "chất thép", ít lãng mạn. Để có nhận xét về thơ của một nhà thơ lớn như Tố Hữu, hơn nữa ông lại là một cán bộ cốt cán của Đảng, điều này không dễ …!
Theo tôi đã là nhà thơ, là thi sĩ của cách mạng thì ở góc độ nào, ít nhiều cũng có "chất thép": "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong." (Trong tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ, bài Khán "Thiên gia thi" hữu cảm, dịch là Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi").
Còn chất lãng mạn không thể thiếu. Lãng mạn ở đây hiểu rộng hơn không chỉ có tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cỏ cây, hoa lá, non sông tươi đẹp, quê hương có mái đình cong vút, có con sông lững lờ trôi… Hay những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay để một thời ta thương, ta nhớ: "… Mùa xuân đó, con chim én mới/ Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh…".
Trong thực tế có lúc tưởng chừng như điều không thể lại trở thành có thể và điều có thể đã trở thành hiện thực: "Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô, cây lại đâm cành nở hoa". Đọc bài thơ: "Ba mươi năm đời ta có Đảng" có lúc ta như nghẹn ngào, bởi Tố Hữu đã dùng ngòi bút cách mạng, sắc sảo của ông để tạo thành một bản án tố cáo chế độ thực dân đế quốc: "Ôi nhớ những năm nào thuở trước/ Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy/ Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng!/ Con đói lã ôm lưng mẹ khóc/ Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi/ Kiếp người cơm vãi cơm rơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi…".
Với bút pháp của một thi sĩ yêu nước, cách nhìn của Tố Hữu là một nhà hoạt động cách mạng đã nếm đủ cảnh tù đày, cũng như bao đồng chí của ông để rồi làm nên bản anh hùng ca cho dân tộc Việt Nam, đó là cuộc Cách mạng Tháng tám vĩ đại: "Nước đã mất tám mươi năm/ Đã Tây lại Nhật đứng nằm sao yên/ Thân một cổ hai xiềng nô lệ/ Phải vùng lên mà bẻ cho tan/ Diệt bầy Tây, Nhật, Việt gian/ Việt Nam độc lập, hoàn toàn tự do!".
Với thi pháp, lối gieo vần và phương pháp so sánh của ông, ta cảm nhận được lòng căm thù sâu sắc của một dân tộc được ấp ủ từ lâu, nay hừng hực sục sôi, tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân: "Đồng cỏ héo đã bùng lửa cháy/ Nước non ơi, hết thảy vùng lên!/ Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Toàn dân khởi nghĩa! Chính quyền về tay!/ Lời Đảng gọi, một ngày sấm nổ/ Biển người dâng ngập phố, ngập đồng/ Mùa thu cách mạng thành công/ Mùa thu đây hỡi, cờ hồng vàng sao!".
Đọc thơ ông, ta cảm nhận được tiếng thét căm thù của nhân dân, bởi nước mất nhà tan và sự đồng hóa nham hiểm của kẻ thù vào dân tộc, hòng làm cho dòng máu Con Lạc Cháu Hồng của dân tộc ta dần dần bị mai một: "Ôi hai tiếng đồng bào, Tổ quốc/ Đến hôm nay mới thuộc về ta/ Trăm năm mất nước mất nhà/ Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười".
Cũng có lúc, ông dồn hết tâm thức của mình để biến những lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu trở thành những vần điệu của thơ, nhưng lại là những lời hịch thiêng liêng kêu gọi đồng bào cả nước tiến lên quyết bảo vệ nhà nước non trẻ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa: "Hỡi quốc dân! Hỡi đồng bào!/ Có gươm, có súng, có dao hãy dùng/ Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước!/ Toàn dân trông phía trước tiến lên!/ Nửa đêm vang tiếng lệnh truyền/ Phố giăng chiến lũy, đường xuyên chiến hào".
Và rồi Trung ương Đảng và Bác Hồ trở lại Việt Bắc một lần nữa, nếm mật nằm gai với những cơn sốt rét rừng có thể cướp đi sinh mạng của biết bao đồng chí, nhưng tất cả những gian khổ hy sinh không thể vơi đi niềm tin yêu vào cách mạng. Chính niềm tin yêu đó mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đến ngày thắng lợi: "Củ khoai, củ sắn thay cơm/ Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng/ Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát/ Trông trời cao mà mát tâm can!/ Chín năm nắng núi, mưa ngàn/ Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau".
Để rồi một dân tộc nhỏ bé, với hai bàn tay trắng đã đánh bại đội quân viễn chinh của thực dân Pháp có trang bị vũ khí, khí tài hiện đại: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!". Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng ta và là đòn sấm sét giáng xuống đầu đế quốc Pháp để quyết định cho hòa bình của dân tộc và nhân dân miền Bắc được sống trong cảnh thái bình.
Tuy nền kinh tế lúc bấy giờ chưa được phát triển, sản xuất nông nghiệp đang còn lạc hậu, nhưng không khí của người dân làm chủ cuộc đời mình đã thể hiện trong thơ Tố Hữu như những bài ca đưa giá trị của cuộc đời thực đến với người nông dân hay những công nhân trong nhà máy: "Dân có ruộng, dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn/ Màu áo mới nâu non nắng chói/ Mái trường tươi roi rói ngói son/ Đã nghe nước chảy lên non/ Đã nghe đất chuyển thành con sông dài …" và "Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu cho người/ Đời hết kẻ sống lười ăn bám/ Đời của ai dũng cảm hy sinh/ Những người lao động quang vinh/ Chúng ta là chủ của mình từ đây".
Giọng thơ của Tố Hữu trong bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" là giọng thơ mang hồn dân tộc, nó chân chất, dễ nhớ, dễ thương, dễ thuộc, dễ đến với những người dân lao động: "Đã rằng vì nước vì dân/ Nước dân còn khổ thì thân sướng gì?". Cũng có lúc ông tự hào về thế đứng của dân tộc Việt Nam với anh em bè bạn năm châu: "Ta đã đứng nên người độc lập/ Cao bằng người nào thấp thua ai?", nhưng miền Nam còn đó, bè lũ tay sai đã lê máy chém đi khắp miền Nam, máu của đồng bào và chiến sĩ cách mạng đang đổ xuống từng ngày.
Miền Nam gọi miền Bắc trả lời và miền Bắc là hậu phương vững chắc, là nghĩa vụ thiêng liêng máu thịt với miền Nam: "Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi/ Một thân không thể chia đôi/ Lửa gươm không thể cắt rời núi sông/ Gươm nào chém được dòng Bến Hải?/ Lửa nào thiêu được giải Trường Sơn?/ Căm hờn lại dục căm hờn/ Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!". Chúng ta thật sự rung cảm với những vần thơ ông viết từ nhịp đập của trái tim mình: "Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng ngàn thu".
Là một nhà hoạt động cách mạng, Tố Hữu đã nếm trải lao tù như bao đồng chí khác. Ngày đó ông viết bài thơ, ông sống trong lòng miền Bắc hòa bình, nhưng tư tưởng, tâm hồn, hành động của ông, tất cả vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm thương nhớ những đồng chí của mình đã hy sinh vì Đảng, vì dân và ông lấy đó làm niềm tin yêu và hướng đi cho công cuộc giải phóng miền Nam: "Hỡi những trái tim không thể chết/ Chúng tôi đi theo vết các anh/ Những hồn Trần Phú, vô danh/ Sóng xanh biển cả, cây xanh ngút ngàn…".
Kết thúc bài thơ, ông đã trân trọng dùng hình ảnh của Bác Hồ kính yêu để nói với đồng chí, đồng bào cùng dân tộc: Hãy tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Bởi vì, ba mươi năm trước đất nước ta thật sự cùng khổ hơn nhiều mà dân tộc ta đã chiến thắng và tất cả hãy tin tưởng vào ngày mai: "Ba mươi năm bước đường qua/ Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc Người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người".
"Ba mươi năm đời ta có Đảng" là một bản diễn ca lịch sử có giá trị nội dung và nghệ thuật lớn nằm trong tập thơ "Gió Lộng" của Tố Hữu, loại thơ tổng kết một quá trình lịch sử, trữ tình, tạo thành mối gắn kết nghĩa tình giữa Đảng và nhân dân. Ngày nay, bài thơ là bản trường ca ra trận trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân.
Dương Chí SỹDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.