Nhận thế chấp ảo, cho vay thật
Tài sản thế chấp đứng tên cả hai vợ chồng, tuy nhiên, trong khi người vợ đang đi lao động hợp tác ở Đài Loan, không có giấy ủy quyền, ngân hàng vẫn căn cứ vào tài sản đó làm thế chấp, giải quyết cho người chồng vay tiền để kinh doanh.
Chuyện hy hữu nói trên đã và đang xảy ra tại thôn Tam Sơn, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh khi Phòng Giao dịch Kinh Bắc - Ngân hàng TMCP Á Châu (gọi tắt là Ngân hàng ACB) giải quyết cho ông Nguyễn Duy Chung, SN 1972, trú tại địa phương nói trên, vay 1 tỷ 200 triệu đồng để kinh doanh nhà nghỉ, với thời hạn 48 tháng (theo hợp đồng tín dụng trung hạn số: KBA.CN.01081212, ngày 8/12/2012). Để thực hiện việc cho vay này, phía ngân hàng căn cứ vào tài sản thế chấp là 3 mảnh đất, cụ thể như sau:
Đó là toàn bộ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền, tọa lạc tại hai thửa đất số 03 và số 126, thuộc tờ bản đồ số 25, với tổng diện tích 382 m2 tại thôn Tam Sơn, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. 2 mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của cụ Dương Thị Thụy, SN 1940, nhưng không hiểu bằng cách nào, người con trai cụ là ông Chung đã làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng các thửa đất số S 837800 ghi tên mình, sau đó mang đi thế chấp tại ngân hàng.
Tài sản thế chấp vụ này còn là thửa đất số 147, tờ bản đồ số 26, tại thôn Hữu Ái, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, có diện tích 75 m2. Lô đất này đã được UBND huyện Lương Tài cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 661262, mang tên hai vợ chồng ông Nguyễn Duy Chung và bà Nguyễn Thị Xoa.
Căn cứ Hộ chiếu số B 4356897 ngày 23/8/2010 cấp cho bà Nguyễn Thị Xoa , SN 1973 (có thời hạn đến hết ngày 23/8/2020), bà Xoa rời Việt Nam đi lao động hợp tác ở Đài Loan năm 2011. Đến năm 2014 mới về Việt Nam nghỉ phép.
Bà Dương Thị Thụy, là chủ sở hữu tài sản và đang trực tiếp sử dụng 2 trong 3 lô đất nói trên cũng không được phía cho vay là Ngân hàng ACB hỏi ý kiến.
Vậy bằng cách nào, phía Ngân hàng ACB mà cụ thể là Phòng Giao dịch Kinh Bắc có thể cấp tín dụng cho ông Chung như đã nêu trên vào năm 2012? Để rồi, sau khi vay được tiền, ông Chung mới chỉ trả được vài chục triệu đồng thì làm ăn thu lỗ không có khả năng trả nợ, khiến phía cho vay là Ngân hàng ACB buộc phải khởi kiện ông ra tòa.
Ngày 12/5/2017, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lương Tài ra Quyết định số 01/2017/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, hai vợ chồng ông Chung và bà Xoa "chấp nhận" thanh toán cho phía Ngân hàng ACB cả gốc còn lại và lãi phải trả, tổng cộng hơn 1 tỷ 870 triệu đồng. Tại văn bản nói trên, TAND huyện Lương Tài còn quyết định xử lý tài sản đã thế chấp ảo mà phía Ngân hàng ACB đang chấp nhận.
Quá thời hạn cam kết, ông Chung vẫn không trả được nợ, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh tiến hành bán đấu giá số tài sản nói trên cũng không quan tâm đến quyền và lợi ích của người liên quan là bà Thụy (mẹ đẻ ông Chung) và bà Xoa (vợ ông Chung). Trước nguy cơ mất đất, mất nhà, cả hai người đàn bà (xem ảnh) cùng gửi đơn đi các cơ quan chức năng khiếu kiện.
Như vậy, vụ án giữa ông Chung và Ngân hàng ACB còn rất nhiều ẩn khuất, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã bị bỏ qua trong suốt quá trình giải quyết. Vụ việc đã được chuyển đến Tòa án nhân dân Tối cao. Hy vọng cơ quan tố tụng cao nhất này sớm đưa ra quyết định tạm dừng quyết định thi hành án vụ này, tiến hành xem xét lại toàn bộ nội dung vụ việc để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan.
Văn BảoBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.