Nhân tình ấm lạnh xoay quanh một khúc đất thừa ở cửa khẩu Tho Mo

Cùng bạn đọc
10:04 AM 09/11/2020

Cửa khẩu quốc gia Tho Mo quạnh hiu vì Covid-19 nhưng lại “nóng” vì một vụ “lật kèo” gây xôn xao cả xóm vì chuyện mua bán mảnh đất thừa thẹo 40 năm trước. Người nông dân chân chất ở xã biên giới Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) bỗng nhận ra, sự tráo trở của nhân tình chung quy vì một chữ lợi, mà họ thì quá nghèo...

Vì nghèo...

Tho Mo là tên dân gian gọi cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây giáp ranh tỉnh Svay Riêng của Campuchia. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, năm 1979 đồng bào hồi hương về xung quanh cửa khẩu "lấp hố bom xây cuộc sống". Họ sống rải rác khắp nơi, thỉnh thoảng bị những phần tử quá khích nước bạn bắn tỉa nên chính quyền buộc phải lên chương trình "quy hoạch" tập trung dân cư để tiện việc quản lý và bảo vệ.

Nhân tình ấm lạnh xoay quanh một khúc đất thừa ở cửa khẩu Tho Mo - Ảnh 1.

Gia đình họ Dương đang trình bày sự việc.

Gia đình bà Dương Thị Sáu, ông Dương Văn Đế cũng nằm trong diện được cấp đất cặp trục lộ để sinh sống, diện tích 30 x 40 m. Nhà quá nghèo nên họ chỉ che tạm được một mái tranh và làm đủ thứ việc "nhà quê" để mưu sinh qua ngày. Chưa kịp dựng một căn nhà cho tươm tất thì năm 1989 chính quyền có chủ trương "trả đất lại cho chủ cũ". 

Tuy nhiên, cả gia tộc nghèo chỉ có mảnh đất này để cắm dùi nên chính quyền xã cũng không trưng dụng. Mãi đến năm 2001, Nhà nước xét hoàn cảnh người có công với cách mạng để xây nhà tình thương. Ông Đế thuộc diện được xét xây nhà nhưng lại... không có đất! Thế là chính quyền xã một lần nữa làm "trọng tài" để gia tộc nghèo này mua lại khu đất đang ở. 

Nhân tình ấm lạnh xoay quanh một khúc đất thừa ở cửa khẩu Tho Mo - Ảnh 2.

Ông Dương Văn Sông đứng trong khu đất thừa thẹo mua 20 năm không trả nổi tiền.

Mảnh đất mà bà Sáu, ông Đế được cấp trước kia thuộc phần đất của ông Lâm Văn Trị nên hai nhà buộc phải "mua" lại với giá 3 triệu đồng/mảnh. Trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, ông Trị nhận tiền và "giao" đất. "Ổng còn nói thêm, tao còn lại một chút xíu đất nối phía sau, mua thì tao bán luôn, tiền trả sau cũng được" - bà Sáu nhớ lại.

Mảnh đất thừa thẹo phía sau có diện tích khoảng 600m2, ông Trị bán 3,5 triệu đồng cho 2 nhà bà Sáu, ông Đế. Bà Sáu sau đó chạy được tiền trả cho ông Trị 1,75 triệu đồng, còn ông Đế dù rất cố gắng vẫn không kiếm ra được tiền trả, đành khất lần hẹn lữa. Và cũng chính vì một nửa mảnh đất thừa thẹo này mà 40 năm sau trở thành câu chuyện làm xôn xao cả xóm nghèo ấp 3 xã Mỹ Quý Tây.

Chứng lý

Thời gian hơn 40 năm, đủ để thành toàn chuyện bể dâu tang điền. Ông Đế mất, ông Trị cũng già đi nhưng mảnh đất vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, không ai trồng tỉa được gì. Chỉ có nhà ông Đế được Nhà nước hỗ trợ căn nhà tình thương giá 5,5 triệu đồng, giờ để lại cho con là bà Dương Thị Nị cùng mấy đứa cháu ở. Riêng phần đất thừa thẹo phía sau dù đã trả tiền một nửa, vẫn không ai đụng chạm đến.

Tháng 10/2013, bà Lâm Thị Bích Đông (con gái ông Trị) hùng hổ cùng dàn xe ben mang đất đổ vào nơi bà Nị đang ở, diện tích đổ đất chiếm 48m2. Điều đáng nói là bà Đông đã đổ đất cả vào phần đất đã bán cho ông Đế hồi năm 2001 (thửa 220). Trong vòng 2 năm 2013 và 2014 UBND, xã Mỹ Quý Tây nhiều lần mời hai bên đến hòa giải nhưng bất thành nên buộc lòng phải chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Long An giải quyết.

Trong đơn khởi kiện, bà Dương Thị Nị yêu cầu ông Lâm Văn Trị phải trả lại diện tích đất 1.200 m đất (30 x 40m) tại thửa 220 trong đó một phần bà Đông đã cho xe đổ đất vì mảnh đất này ông Trị  đã bán và nhận đủ tiền. Về phía bà Đông thì lập luận rằng, đất đã bán nhưng bên bà Nị (cha là ông Dương Văn Đế) không trả đủ tiền nên lấy lại đất. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Sông, người nhận ủy quyền của bà Nị thì gia đình đồng ý trả lại 1/2 mảnh đất mua thêm (khoảng 300m2) phía sau. Phần đất này từ khi mua đến nay vẫn không ai đụng chạm đến. Điều vô lý là bà Đông cố ý chiếm 1.200m2 đất từ mặt tiền ra phía sau, lấy luôn một phần đất đã bán.

Nhập nhằng

Để ổn định cuộc sống, gia đình họ Dương đã tìm cách hợp thức hóa 2 thửa đất đã mua là thửa 221 và thửa 222, riêng mảnh đất thừa chưa trả tiền thì không đụng chạm đến. Ngày 7/7/2016, UBND xã Mỹ Quý Tây đã xác nhận bằng Văn bản số 177/CV-UBND ghi rõ: "Quan điểm của UBND xã là đất này đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ bà Dương Thị Sáu và bà Dương Thị Nị (con ông Dương Văn Đế)... Đất này do Nhà nước quy hoạch nên từ năm 1979 đến nay (2016), ông Lâm Văn Trị không sử dụng mà chỉ có bà Sáu, ông Đế sử dụng. Ông Trị cũng không xin cấp quyền sử dụng đất". Thế nhưng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ lại lần lữa không làm giấy cho họ với lý do đất đang tranh chấp?!

Nhân tình ấm lạnh xoay quanh một khúc đất thừa ở cửa khẩu Tho Mo - Ảnh 3.

Giấy xác nhận của UBND xã Mỹ Quý Tây mảnh đất đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Chưa hết, mới đây ngày 23/9/2020, TAND tỉnh Long An đã đưa vụ kiện ra xét xử với phán quyết phía bà Dương Thị Nị (do ông Dương Văn Song được ủy quyền) trả cho ông Lâm Văn Trị phần đất còn lại là 580 triệu đồng! Tòa cho rằng, do ông Đế ngày xưa không trả khoản tiền 1,75 triệu đồng còn thiếu nên phía ông Trị không bán nữa mà lấy lại toàn bộ thửa đất. Nếu phía bà Nị muốn giữ đất thì phải trả số tiền 580 triệu đồng nói trên.

Chưa nói đến số tiền "khổng lồ" theo tình hình kinh tế gia đình ông Sông, bà Nị hiện nay, việc phán quyết thiếu thuyết phục của TAND tỉnh Long An đã làm sai lệch bản chất vụ việc, biến việc tranh chấp mảnh đất thừa thẹo "mua thêm" thành tranh chấp luôn cả mảnh đất mà ông Sông, bà Nị đang sở hữu (đã mua và được chính quyền xác nhận trả đủ tiền).

Ông Sông nói trong nước mắt: "Vì chúng tôi quá nghèo, không có 1,75 triệu đồng tiền trả cho họ nên bây giờ mới ra nông nỗi này. Đã nghèo khổ mà còn bị hàng xóm lấn lướt (nhà ông Sông và nhà bà Đông chung ranh đất - PV), tòa án lại thiếu công tâm thì thử hỏi làm sao không phẫn uất, đắng lòng?".

Châu Phụng - Bá Vương
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.