Nhập khẩu lợn sống để "giảm nhiệt" giá thịt
Việc nhập khẩu heo sống "không có gì đáng lo ngại", quy trình nhập khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ và khi heo về tới cửa khẩu của Việt Nam sẽ được cách ly, lấy mẫu kiểm dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam. Xét công văn của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro về việc nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Qua đó, trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Bộ NNPTNT cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu lợn giống nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy trình và trình tự hiện hành.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống.
Theo Thứ trưởng, Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, giá thịt lợn trong nước liên tục tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Việc nhập khẩu lợn sống sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.
Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, để tìm các giải pháp bình ổn thịt lợn Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và tìm hiểu một số thị trường, trước mắt có thể nhập lợn từ Thái Lan. Khi lợn về tới cửa khẩu của Việt Nam sẽ được cách li, lấy mẫu kiểm dịch.
Ngoài việc nhập khẩu thịt lợn, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu heo giống cấp bố mẹ, cụ kị, ông bà để bổ sung nguồn cung trong nước. Các lô lợn này sẽ được cách ly theo quy định.
Trước đó ngày 13/5, lô lợn 250 con bố mẹ đã về đến Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là lô lợn đầu tiên trong tổng số 20.000 con lợn nái và 200 con lợn đực giống được nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam để nhân giống, phục vụ tăng đàn, tái đàn lợn.
Bộ NNPTNT cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu lợn giống nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn. Việc nhập khẩu lợn nái hậu bị nói chung và lợn giống là không hạn chế, không hạn ngạch.
Thứ trưởng Tiến khẳng định việc nhập khẩu heo sống "không có gì đáng lo ngại", quy trình nhập khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ và khi heo về tới cửa khẩu của Việt Nam sẽ được cách ly, lấy mẫu kiểm dịch.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/5, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 67.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước Canada, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Nga…
Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình là 60.000 đồng/kg. Trên thị trường, các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu được rao bán với giá 75.000-130.000 đồng/kg tuỳ loại. Song, do thị hiếu thích ăn thịt nóng nên người tiêu dùng không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu dù chúng có giá rẻ bằng nửa giá thịt lợn trong nước.
Việc đẩy mạnh nhập khẩu lợn sống (trọng lượng trên dưới 100kg/con) về giết thịt sẽ phù hợp với thị hiếu thích ăn thịt nóng của người tiêu dùng, đồng thời là một trong những biện pháp tiếp theo giúp mặt hàng này hạ nhiệt trong thời gian tới.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.