Nhập khẩu phân bón tăng 15,7% về lượng và 16% về trị giá trong 4 tháng
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu phân bón đạt trên 1,84 triệu tấn, trị giá hơn 586 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ riêng tháng 4/2025 Việt Nam nhập khẩu 498.219 tấn phân bón, trị giá 158,61 triệu USD, giá trung bình 318,4 USD/tấn, tăng 3% về lượng, tăng 10% về kim ngạch và tăng 6,9% về giá so với tháng 3/2025; so với tháng 4/2024 cũng tăng nhẹ 0,6% về lượng, nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 3,4% về giá.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu phân bón đạt trên 1,84 triệu tấn, trị giá hơn 586 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 318 USD/tấn, và tăng 0,3% về giá so với 4 tháng đầu năm 2024.

Ảnh minh họa: Internet
Phân bón của Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, chiếm 41,8% về lượng và chiếm 32,9% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 769.990 tấn, trị giá 192,82 triệu USD, giá trung bình 250,4 USD/tấn; tăng 16,8% về lượng, tăng 15,3% về kim ngạch nhưng giảm 1,3% về giá so với 4 tháng đầu năm 2024.
Đứng thứ 2 là thị trường Nga đạt 248.334 tấn, trị giá 127,98 triệu USD, giá trung bình 515,4 USD/tấn; tăng 2,6% về lượng, tăng 10,6% về kim ngạch và tăng 7,8% về giá.
Tiếp đến thị trường Lào đạt 153.356 tấn, trị giá 40,88 triệu USD, giá trung bình 266,6 USD/tấn; tăng 41,4% về lượng, tăng 39,9% về kim ngạch nhưng giảm 1,1% về giá.
Ở chiều ngược lại, chỉ trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu được 159.884 tấn phân bón, trị giá 68,6 triệu USD, giá trung bình 429 USD/tấn, giảm mạnh 40% về lượng, giảm 24,6% về kim ngạch nhưng tăng 25,9% về giá so với tháng 3/2025; so với tháng 4/2024 thì tăng 29,2% về lượng, tăng 55,6% về kim ngạch và tăng 20,5% về giá.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón đạt 760.707 tấn, trị giá 293,97 triệu USD, giá trung bình 386,5 USD/tấn, tăng 21,8% về lượng, tăng 16,5% về kim ngạch nhưng giảm 4,4% về giá so với 4 tháng đầu năm 2024.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, chiếm 27% về lượng và chiếm 23% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 205.365 tấn, trị giá 67,91 triệu USD, giá trung bình 331 USD/tấn; tăng 40,9% về lượng, tăng 14,7% về trị giá nhưng giảm 18,6% về giá so với 4 tháng đầu năm 2024.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc đạt 99.458 tấn, trị giá 40,28 triệu USD, giá trung bình 405 USD/tấn; tăng 19,3% về lượng, tăng 16,8% về kim ngạch nhưng giảm 2,1% về giá, chiếm 13,1% về lượng và chiếm 13,7% về kim ngạch.
Tiếp đến thị trường Malaysia đạt 65.196 tấn, trị giá 26,4 triệu USD, giá trung bình 404,9 USD/tấn; tăng 44,8% về lượng, tăng 70,8% về kim ngạch và tăng 17,9% về giá, chiếm 8,6% về lượng và chiếm 9% về kim ngạch.
Theo đánh giá của FAO, phân bón đóng vai trò quan trọng vì góp từ 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp và làm tăng năng suất cây trồng ở mức 40-50%. Dự báo nhu cầu tiêu thụ phân ure sẽ tăng 6% trong giai đoạn 2024-2028, trong khi phân lân phụ thuộc vào những thay đổi trong chiến lược xuất khẩu của Trung Quốc và Maroc. Riêng nhu cầu phốt phát sẽ vẫn chịu áp lực vào năm 2025, tăng trưởng nhẹ dưới 2% vào năm 2026.
Ngành phân bón Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố tích cực. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định khi nông dân tiếp tục sử dụng phân bón để nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt trong các vụ lúa và cây ăn quả. Các chính sách hỗ trợ, như việc áp dụng thuế VAT 5%, sẽ giúp giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu rất lớn khi nhu cầu phân bón từ các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Mỹ và châu Phi dự báo sẽ tăng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn bao gồm các loại: urê, DAP, NPK, Kali...
Trong đó, phân urê chiếm tỷ trọng sản xuất lớn, tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm, với phần lớn nguyên liệu đầu vào khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia và gấp 3 lần trung bình của thế giới.
Huyền My (t/h)
VCCI đề xuất cân nhắc áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng hoá thương mại điện tử nhập khẩu.