Nhập khẩu sắt thép tăng 48% về lượng và 25% về trị giá
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn sắt thép, tương đương hơn 5,9 tỷ USD, tăng 48% về lượng và tăng 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng trong tháng 6, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu tấn với trị giá hơn 934 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn sắt thép, tương đương hơn 5,9 tỷ USD, tăng 48% về lượng và tăng 25% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu trong tháng 6 đạt 727 USD/tấn, giảm 17% so với tháng 6/2023.
Xét về thị trường nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất sắt thép từ Trung Quốc với 5,7 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tương đương kim ngạch hơn 366 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm 14% so với cùng kỳ, đạt hơn 641 USD/tấn.
Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp sắp thép cho Việt Nam là Nhật Bản với 878.851 tấn sắt thép, tương đương hơn 878 triệu USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.000 USD/tấn, tăng mạnh 27% so với năm trước.
Hàn Quốc là nhà cung cấp sắt thép lớn thứ 3 của Việt Nam với 568.335 tấn, kim ngạch đạt hơn 540 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng trị giá chỉ tăng gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu đạt 951 USD/tấn, giảm 9% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Cũng theo dữ liệu Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Đáng chú ý lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 77%. Tính chung trong nửa đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước, trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15-20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45- 108 USD/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu.
Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Hiện, Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.