Nhập khẩu thép tăng gần 2 lần so với cùng kỳ
Hai tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD. Con số này tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị. Đây cũng là động lực chính khiến tổng lượng thép nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong hai tháng đầu năm.
Với riêng sản phẩm thép cán nóng (HRC), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 13,8 triệu tấn thép các loại (bao gồm cả hàng tạm nhập tái xuất, nhập vào khu chế xuất…), tăng 3,2% so với 2022 và 11% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu thép là 10,4 tỷ USD.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ thép ở thị trường trong nước vẫn yếu, nhập khẩu thép tăng đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy lượng bán hàng thép thành phẩm chỉ mới tăng 11% so với cùng kỳ lên 4,3 triệu tấn. Nếu bóc tách phần xuất khẩu, chỉ tính riêng tiêu thụ trong nước, bán hàng thép thành phẩm hai tháng đầu năm thậm chí giảm.
Cụ thể, tiêu thụ trong nước hai tháng đầu năm nay khoảng 2,7 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 2,8 triệu của thời điểm cách đây một năm. VSA cho biết nhu cầu thép xây dựng trong tháng 2 giảm do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng nhìn chung chưa có tín hiệu khởi sắc.
Trên thực tế, năng lực sản xuất trong nước cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Năm ngoái, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội thép sản xuất 27,7 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.
Do đó, việc thép nhập khẩu ngày càng tràn nhiều vào thị trường nội địa gây sức ép lớn cho các nhà máy thép trong nước.
Hiện tại Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu thép sang các nước trong bối cảnh tiêu thụ nội địa khó khăn khi ngành bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, ngành thép của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam đang chịu áp lực lớn.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận lượng thép xuất khẩu cao nhất giai đoạn 2017-2023 và về lại mức trên 80 triệu tấn/năm. Mức này tương ứng giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.
Do đó, VDSC lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc ở khía cạnh cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa.
Các doanh nghiệp cho rằng, tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, làm thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, rất cần thiết một giải pháp đồng bộ từ chính sách Nhà nước để tạo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường thép.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất sứ từ Trung Quốc.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.