Nhập khẩu thịt lợn tăng, ngành chăn nuôi sợ mất ‘sân nhà’
Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh khiến những nhà sản xuất trong nước lo ngại về khả năng mất thị phần trong tương lai.
Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong tháng 5 và 6. Tính chung trong quý II, Việt Nam nhập khẩu 27.000 tấn thịt lợn, trị giá hơn 60 triệu USD, tăng gấp đôi về cả lượng lẫn giá trị so với quý I. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương khoảng 2% tổng nguồn cung thịt lợn của Việt Nam.
Năm ngoái, nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm từ thịt lợn của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh với 235.000 tấn, tăng 28% so với 2022.
Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh khiến những nhà sản xuất trong nước lo ngại về khả năng mất thị phần trong tương lai.
Tại hội nghị về chăn nuôi lợn bền vững diễn ra tuần trước, ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo rằng mặc dù tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ trong chăn nuôi lợn của Việt Nam, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu như hiện tại, sức ép đối với ngành chăn nuôi ngày một lớn.
Đáng lo ngại, nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chăn nuôi làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm Quốc gia. Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Vì vậy để cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu trong tương lai và tránh viễn cảnh Việt Nam trở thành nước nhập khẩu, ngành chăn nuôi cần giảm chi phí. Tuy nhiên, hiện nay bài toán về chi phí nuôi vẫn đang là vấn đề nan giải.
Tại Việt Nam, chi phí chăn nuôi vẫn còn cao so với thế giới do nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo Cục Chăn nuôi, nước ta hiện vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu. Ngoài thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào nguồn con giống chất lượng nhập khẩu, những năm gần đây việc nhập khẩu giống vật nuôi có chiều hướng giảm, nhưng chưa nhiều.
Trước đó, 4 hiệp hội gồm Hội Chăn nuôi, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng đã kiến nghị Thủ tướng về tình trạng gặp nhiều khó khăn trước sản phẩm nhập khẩu gia tăng. Hàng hóa ngoại lấn sân đang khiến sản phẩm chăn nuôi nội địa chịu áp lực cạnh tranh không công bằng. Đặc biệt, sản phẩm nhập lậu tràn lan, trong khi hàng nhập chính ngạch cũng không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo các hiệp hội, trên thế giới các quốc gia đã tự bảo vệ ngành nông nghiệp, sản xuất của họ bằng xây dựng các hàng rào kỹ thuật.
Chẳng hạn, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản yêu cầu hàng hóa xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao. Hoặc mỗi nước trung bình chỉ cho phép 3-5 cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống, trong khi Việt Nam là 30 cửa khẩu. Do đó, các hiệp hội đề nghị Việt Nam mở cửa với thế giới nhưng cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đức Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mặc dù thịt lợn nhập khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nếu ngành chăn nuôi không cải thiện, trở nên bài bản hơn sẽ có thể đánh mất thị phần trong nước. Giải pháp trước mắt là tăng hiệu quả chăn nuôi bằng cách tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.