Nhật Bản chi 13 tỷ USD thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn
Để lấy lại vị thế là cường quốc ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị gói hỗ trợ bổ sung trị giá gần 2.000 tỷ yen (13 tỷ USD) cho năm tài chính hiện tại, nhằm hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật (METI) đã đề xuất gói trợ cấp 1.850 tỷ yen cùng với số tiền chưa chi cho các khoản trợ cấp liên quan đến ngành bán dẫn.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch cấp thêm ngân sách cho hoạt động sản xuất và bảo đảm nguồn cung chip, vi mạch trong nước.
Là một phần trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế, Tokyo đang cố gắng bổ sung thêm nhiều nguồn vốn đầu tư vào ngành sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến, nhằm hướng đến các lĩnh vực công nghệ tương lai như AI và xe tự hành. Dự kiến, nguồn vốn hàng trăm tỷ yên sẽ được phân bổ hỗ trợ Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), doanh nghiệp sản xuất bán dẫn và chip nhớ hàng đầu thế giới của Đài Loan (Trung Quốc) và Công ty Rapidus, doanh nghiệp startup về sản xuất chip mới được thành lập tại Nhật Bản từ năm 2022, có thể sẽ xây dựng thêm nhà máy sản xuất chip thứ 2 tại Nhật Bản.
Số tiền còn lại sẽ được sử dụng để thúc đẩy khả năng thiết kế, sản xuất vi xử lý thế hệ tiếp theo cũng như đào tạo nhân sự về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nước.
Một quan chức của METI cho biết: "Cuộc đua cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Hiện tại, đang có rất nhiều công ty trong và ngoài nước đang sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này tại Nhật Bản".
Hiện tại, để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước, Chính phủ Nhật Bản đang phải gánh gần một nửa chi phí xây dựng cho nhà máy đầu tiên của TSMC tại Kumamoto, trong khi đang tiếp tục đàm phán về việc hỗ trợ thêm dự án tiếp theo, sẵn sàng đáp ứng khoảng 1,5 tỷ USD cho mở rộng nhà máy của công ty sản xuất chip Micron Technology ở Hiroshima, cũng như bơm tiền cho doanh nghiệp địa phương Rapidus thực hiện tham vọng sản xuất chip tiên tiến 2nm.
Rapidus đang xây dựng một xưởng sản xuất chip của Nhật Bản có thể cạnh tranh với những "ông lớn" trong ngành như TSMC và Samsung Electronics Co.
Theo chia sẻ từ ông Tetsuro Higashi, Chủ tịch của Rapidus, công ty sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chip cao cấp vào năm 2027, với mục tiêu góp phần củng cố nền kinh tế Nhật thông qua đảm bảo nguồn cung ổn định.
Rapidus đã chọn Hokkaido để xây dựng nhà máy bởi vì ở đây có nguồn cung cấp nước dồi dào và có sẵn năng lượng tái tạo vì các microchip tiên tiến cần được rửa bằng loại nước siêu tinh khiết.
Động thái trên của Nhật Bản thể hiện quyết tâm tìm lại ánh hào quang năm nào khi còn là nơi tập trung các nhà máy tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất chip của thế giới.
Vào những năm 1980, Nhật Bản là quốc gia sản xuất chip lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng bán dẫn toàn cầu. Đến đầu những năm 2000, Nhật Bản đối mặt với những thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tích hợp theo chiều dọc (IDM) truyền thống sang phân công lao động theo chiều ngang (fabless/foundry).
Việc không bắt kịp xu hướng kinh doanh sản xuất thế giới đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng trong chuỗi cung ứng chip trên thế giới, khiến Nhật Bản chỉ còn chiếm 9% sản lượng bán dẫn toàn cầu.
An Mai (Theo Bloomberg)Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.