Nhật, Hàn thoái lui, Trung Quốc vẫn quyết đầu tư vào các dự án điện than
(Dân trí) - Trung Quốc vẫn quyết tâm mở rộng đầu tư cho các dự án điện than tại nước ngoài mặc cho Hàn Quốc và Nhật Bản báo hiệu chuyển hướng khỏi lĩnh vực bị chỉ trích gây ô nhiễm này.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay luôn được đánh giá là những nhà cho vay hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng năng lượng than. Các dự án ngân hàng vượt ra ngoài biên giới của họ thông qua các cơ quan tín dụng xuất khẩu và phát triển các thị trường mới để xuất khẩu công nghệ nhà máy than.
Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đang chuẩn bị thu hẹp tài trợ vào lĩnh vực này trong bối cảnh áp lực gia tăng từ công chúng và các nhà đầu tư vì lý do môi trường.
Bẩn và ô nhiễm
Than hiện vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng với thế giới. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, sản lượng tiêu thụ than không ngừng tăng lên. Than cung cấp 30% nhu cầu năng lượng trên thế giới và là nguồn nhiên liệu để sản xuất 40% sản lượng điện toàn cầu. Nhưng than cũng chiếm tới 45% lượng khí thải ô nhiễm. Thế nên, than đá là nguồn năng lượng bẩn nhất.
Tháng trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ thắt chặt các tiêu chí tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than nước ngoài. Vào tháng 9 tới đây, các nhà lập pháp Hàn Quốc cũng sẽ xem xét một số dự luật nhằm cấm đầu tư vào than ở nước ngoài như một phần của “Thỏa thuận xanh” hậu đại dịch.
Các ngân hàng, các tổ chức cho vay đa phương và các chính phủ trên toàn thế giới đang dần từ bỏ than đá khi các năng lượng tái tạo ngày càng có chi phí rẻ hơn và cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên cấp bách hơn.
Hai ngân hàng thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Tập đoàn tài chính Mizuho và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, cho biết vào đầu năm nay rằng, họ sẽ ngừng tài trợ cho các dự án điện than mới trước áp lực từ các nhà hoạt động khí hậu.
Các tổ chức tài chính toàn cầu như BlackRock, France’s AXA và Ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng đã công bố các chính sách thoái vốn bằng than trong 8 tháng qua.
Mặc dù chính sách đầu tư mới đây của Nhật Bản đã bị các nhà môi trường chỉ trích vì để lại kẽ hở, nhưng luật của Hàn Quốc về tài trợ nước ngoài, nếu được thông qua, có thể là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt so với một trong những quốc gia ủng hộ nhiên liệu sử dụng nhiều carbon lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc, Nhật Bản dần chấp nhận “thực tế mới”
Christine Shearer, từ Global Energy Monitor - một tổ chức phi chính phủ ủng hộ việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch - cho biết, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu “chấp nhận thực tế mới”.
“Nền kinh tế đã thay đổi, và than không còn là lựa chọn hàng đầu về năng lượng có chi phí thấp nhất, ngay cả khi không tính đến các chi phí bên ngoài như ô nhiễm và tác động khí hậu", bà nói.
Các nhà vận động môi trường hy vọng các động thái của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng liệu nhà tài chính lớn nhất thế giới về năng lượng than có thực hiện các bước tương tự hay không hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.
Trung Quốc có tác động lớn đến tài chính phát triển cho than. Từ năm 2000-2019, hai ngân hàng chính sách toàn cầu - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - đã phát hành các khoản vay trị giá 51,8 tỷ USD cho các dự án năng lượng than trên toàn thế giới, theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu tại Đại học Boston.
Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 26 tỷ USD tài trợ cho 36 nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài từ tháng 1/2003 đến tháng 4/2019, Trung tâm Môi trường và Xã hội Nhật Bản ước tính.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính công của Hàn Quốc đã hỗ trợ 24 dự án than ở nước ngoài với 10 tỷ USD từ năm 2008 đến 2018, theo Solutions For Our Climate (SFOC) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp điện than chính trên thế giới trong tương lai gần.
“Sự kết hợp giữa bí quyết kỹ thuật đốt than - một hệ thống được nhà nước hậu thuẫn cung cấp tài chính giá rẻ và hỗ trợ các dự án quy mô lớn, đã gây bất lợi cho năng lượng tái tạo”, Li Shuo, quan chức cấp cao về chính sách năng lượng và khí hậu của Greenpeace Đông Á, cho biết.
Nỗ lực “xanh hóa”
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc tái khẳng định cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, Trung Quốc cam kết tới năm 2020 sẽ giảm 40-45% tỷ lệ khí thải CO2 trong hoạt động sản xuất, và tới năm 2030 sẽ giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong năm tới, Trung Quốc sẽ xử lý 8.000 công ty thuộc các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất.
Những lời kêu gọi ngày càng tăng đối với Trung Quốc nhằm biến đầu tư xanh trở thành nền tảng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đặc trưng của ông Tập Cận Bình.
Nếu các tiêu chuẩn khí thải không được cải thiện ở 126 quốc gia liên quan đến kế hoạch “Vành đai và Con đường”, nhiệt độ toàn cầu có thể bị đẩy lên gần 3 độ C (5,4 độ F) vào năm 2050, ngay cả khi tất cả các quốc gia khác đạt được các mục tiêu đã thống nhất theo khí hậu Paris phù hợp, theo một báo cáo năm 2019 do Đại học Thanh Hoa.
Ông Christoph Nedopil Wang, Giám đốc sáng lập Trung tâm Sáng kiến "Vành đai và Con đường" cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn đầu tư xanh theo kế hoạch “Vành đai và Con đường”, nhưng không có hạn chế ràng buộc pháp lý nào đối với việc cấp vốn cho than hoặc các dự án nhiên liệu hóa thạch khác.
“Việc tài trợ than ở nước ngoài của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu. Nếu họ muốn có than, chúng ta là ai mà bảo họ không cấp tiền cho than? Đó là nguyên tắc mà Trung Quốc áp dụng trong tài trợ ở nước ngoài ”, ông nói.
Cách tiếp cận này thường khiến Trung Quốc gặp khó khăn với vị thế là nước dẫn đầu toàn cầu về tài chính xanh và phát triển tái tạo.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu đầy hứa hẹn: nguồn tài chính phát triển cho than của Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2017, và dữ liệu mới từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, lần đầu tiên các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các quốc gia trong Sáng kiến“Vành đai và Con đường” chiếm tỷ trọng lớn hơn đầu tư năng lượng tổng thể hơn so với nhiên liệu hóa thạch trong nửa đầu năm 2020.
Theo Hương Vũ theo SCMP (Dân Trí)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.