Nhất tâm hướng về con đường hoằng dương Phật pháp

Địa phương
07:59 AM 24/02/2024

“Con đường hoằng dương Phật pháp” của Điều Ngự Giác Hoàng - Vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ của ông hơn 700 năm trước đến nay đã và đang được khôi phục, mở mang, trở thành lộ trình hành hương mới về nơi khởi nguồn Phật giáo Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử

Trần Nhân Tông là con trưởng vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, được lập làm Thái tử khi 16 tuổi. Vốn là người sùng kính đạo Phật, Ngài đặt chí tu hành từ rất sớm. Truyền thuyết kể rằng, đã có lần Trần Nhân Tông một mình trốn vào Yên Tử để chuyên tâm quy y Phật pháp, nhưng bị vua cha phát hiện nên bất đắc chí phải trở lại kinh thành. Năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông lên ngôi Hoàng đế. Tuy ở ngôi vua nhưng Ngài vẫn rất quan tâm đến tu thiền. Khi đế quốc Nguyên - Mông đưa quân xâm lược Đại Việt, Ngài phát huy tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài, hai lần chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên - Mông, ngăn không cho chúng tiến xuống vùng Đông Nam Á. Với tư tưởng hòa hiếu vốn có của đạo Phật, Trần Nhân Tông thực thi chính sách hòa hiếu thân thiện với các nước láng giềng để xây dựng quan hệ hòa bình trên nền tảng Phật giáo. Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1299, Ngài rời xa kinh thành, vào núi Yên Tử chuyên tâm tu đạo. Khi được truyền đăng từ Tuệ Trung thượng sĩ, Ngài đã tu tập và truyền dạy tư tưởng cho hàng nghìn đệ tử. Sau khi qua đời (năm 1308), Ngài được tôn làm Phật hoàng, Tổ đệ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì đã có công sáng lập Thiền phái này và thống nhất Phật giáo Đại Việt.

Nhất tâm hướng về con đường hoằng dương Phật pháp- Ảnh 1.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh

Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần bi-trí-dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Ngài đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh. Với tư cách một vị vua, Ngài có nhiệm vụ lớn là phải lo cho dân, cho nước, chứ không chỉ lo cho chính mình. Vì thế, để giải quyết nỗi "lo" ấy, Ngài đã tranh thủ vị thế của một ông vua, gây dựng một Thiền phái để thu hút mọi người, đồng thời tự mình cũng trở thành một tấm gương mẫu mực về tu tập cho thần dân noi theo. Gây dựng một phái tôn giáo nhưng lại không vì tôn giáo ấy, mà chính vì cuộc sống. Tư tưởng, giáo lý của đức Phật hoàng tập trung nhất trong lời kết bài Cư trần lạc đạo: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền" (Nghĩa là: Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền).

Khởi nguồn Phật giáo Việt Nam

Bắc Giang nay - Kinh Bắc xưa từ lâu đã đảm nhận vai trò là một vùng phên giậu quan trọng bậc nhất của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, một vùng non nước tráng lệ. Núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, trong khi sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang.

Những nền xưa, dấu cũ giữa muôn trùng núi cao phần nào giúp ta hiểu một cách toàn diện, đầy đủ hơn về một vùng đất - nơi khởi nguồn Phật giáo Việt Nam do Tam tổ Trúc Lâm đã bao công gây dựng, phát triển. Và nếu từ rất lâu rồi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đã thành công trong việc phát huy tốt khu danh thắng Yên Tử cho phát triển du lịch thì Bắc Giang lại gần như bỏ quên và gần đây mới thực sự chú ý.

Việc khơi dậy các giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm bên phía Tây Yên Tử chỉ thực sự khởi động từ năm 2014 với các bản quy hoạch các điểm chùa và những công trình dịch vụ khác tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Tiếp đến là hình thành một chuỗi các điểm đến văn hóa tâm linh, du lịch..., trong đó khu du lịch tâm linh, sinh thái ở thôn Đồng Thông là điểm nhấn.

Nhất tâm hướng về con đường hoằng dương Phật pháp- Ảnh 2.

Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử năm 2024. Ảnh Trương Hưng

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng chia sẻ rằng: Việc xây dựng khu văn hóa, tâm linh này đã khẳng định những giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm suốt hơn 700 năm qua, đồng thời khôi phục con đường hành hương trong không gian văn hóa chung Đông - Tây Yên Tử, qua đó kết nối quá khứ tâm linh của các thế hệ tiền nhân với hiện tại và cho đến muôn đời sau.

Tây Yên Tử là bộ phận không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử. Sách "Đại Nam nhất thống chí" khi chép về dãy Yên Tử đã nhắc đến các địa danh như: núi Phật Sơn, núi Chúng Sơn, núi Tượng Sơn, núi Huyền Đanh, núi Am Ni, núi Yên Phú, núi Bát Mã, Nham Biền... các núi này ngày nay đều là những danh sơn, thắng tích và nhiều huyền thoại nằm phía sườn Tây.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ rằng: Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của ngài và các đệ tử. Sau khi Phật hoàng nhập Niết Bàn, tổ đệ nhị Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang là hai đồ đệ của ngài đã theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của phái Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng nhiều chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở mạn Bắc Giang.

Cách đây nhiều năm, các nhà nghiên cứu phát hiện hàng loạt trầm tích văn hóa thời Trần ở các vùng núi Tây Yên Tử. Đó là chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn); chùa Yên Mã, xã Bắc Lũng; chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương; chùa Bình Long, xã Huyền Sơn; chùa Hòn Tháp, xã Cẩm Lý; chùa Cao, xã Khám Lạng; chùa Đồng Vành, xã Lục Sơn thuộc huyện Lục Nam...

Những nền móng kiến trúc, hiện vật do các nhà khảo cổ khai quật được tại những di tích trên đều chứng minh được có từ thời Trần và liên hệ mật thiết với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Tam Tổ Trúc Lâm (gồm Sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Tam tổ Huyền Quang thiền sư) sáng lập. Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa điều này cũng phù hợp với tư tưởng Phật giáo thời bầy giờ: Chùa chiền phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).

Đặc biệt trong số đó phải kể đến chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng. Ngôi chùa tọa lạc ở nơi đây sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Sách "Thiền Uyển Tập Anh" cho hay: Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), đại sư Pháp Loa đã về Vĩnh Nghiêm trụ trì để định các tăng đồ trong toàn quốc. Từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo nước ta.

Hơn 700 năm đã trôi qua kể từ ngày khởi tạo đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo.

Nhất tâm hướng về con đường hoằng dương Phật pháp- Ảnh 3.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là di tích quốc gia đặc biệt nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Ngược lên miền thượng du, Khu tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) do Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hưng công xây dựng, đó chính là sự tiếp nối quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong giai đoạn hiện nay. So với 10 năm trước, đường lên Tây Yên Tử giờ đây đã dễ đi hơn gấp cả trăm lần. Những con suối vắt vẻo với sỏi đá lô xô ngày nào đã được thay bằng những chiếc cầu kiên cố.

Tuyến đường 293 còn có tên gọi khác là đường "Tâm Linh" kết nối từ TP Bắc Giang đến thôn Đồng Thông đã nối gần hơn giữa đô thị và rẻo cao của cộng đồng người Dao thanh y tại đây. Con đường như sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Một khu tâm linh với quy mô lớn đã được hình thành, ngoài chùa Hạ, chùa Thượng, tại đây đã có các công trình  để kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng cả đường bộ và hệ thống cáp treo. Qua đó tạo thành sản phẩm du lịch tương đối hoàn chỉnh và kết nối với Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).

Nhất tâm hướng về con đường hoằng dương Phật pháp- Ảnh 4.

Du khách thập phương không quản thời tiết mưa gió hành hương đến khai Hội Xuân Tây Yên Tử 2024. Lối lên chùacó 10 tượng đá kể về 10 giai đoạn cuộc đời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Hành hương về các di tích ở sườn Tây, du khách, phật tử đã toại tâm toại ý hướng về một vùng thánh địa Trúc Lâm.

Mạnh Thắng
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.