NHCSXH huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn: Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, dân chủ hóa, công khai, minh bạch đối với hoạt động tín dụng chính sách
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số 211/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH trên cơ sở củng cố tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo và chính thức hoạt động từ năm 2003 với nhiệm vụ chính trị là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.
Trong những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ cán bộ mỏng, còn non trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh và cấp uỷ, chính quyền địa phương, Phòng giao dịch nhanh chóng được củng cố về mặt tổ chức, ổn định về trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Xây dựng bộ máy hoạt động theo hướng tập trung nhằm tối đa hóa hiệu quả làm việc
Quản trị NHCSXH tại địa phương là Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện do một 01 đồng chí lãnh đạo trong Thường trực Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện làm Trưởng Ban, các thành viên Ban đại diện gồm: đại diện lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn của huyện và 4 tổ chức CTXH cấp huyện nhận uỷ thác cho vay (gồm lãnh đạo Văn phòng HĐND, UBND, Phòng NN&PTNT, Phòng TC- KH và Phòng LĐ -TB&XH huyện, Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn TN CSHCM huyện, Lãnh đạo NHCSXH huyện) và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Hiện nay, Ban đại diện HĐQT có 27 người, được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự. Đây là mô hình đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong quá trình hoạt động, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã luôn chỉ đạo và triển khai kịp thời các văn bản của Chính phủ, của NHCSXH, UBND các cấp và các Nghị quyết, Quyết định của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể các thành viên Ban đại diện kiểm tra, giám sát hoạt động vay vốn tại các xã, thị trấn theo quy định.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND, Ban đại diện HĐQT huyện, UBND các xã, thị trấn, Tổ chức hội các cấp đã vào cuộc cùng với NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, từ khâu chỉ đạo bình xét, xác nhận đối tượng thụ hưởng đến khâu quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng và coi chính sách tín dụng ưu đãi là một trong những công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội tại cơ sở.
Phương thức quản lý vốn tín dụng mang tính kết nối và đúng đối tượng thụ hưởng
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng thông qua hình thức uỷ thác cho các tổ chức chính trị xã hội (gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân huyện, Hội Cựu Chiến binh huyện và Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh huyện) một số nội dung công việc liên quan đến việc quản lý và chỉ đạo hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), bình xét hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát người vay sử dụng vốn, cùng NHCSXH đôn đốc thu hồi nợ… Đây là mô hình quản lý sáng tạo và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng.
Với phương thức uỷ thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội, có các Tổ TK&VV tại tất cả các thôn, tổ nhân dân là phương thức cho vay thể hiện tính ưu việt, riêng có của NHCSXH; thông qua hoạt động uỷ thác cho vay là cách để đưa các Chỉ thị, Nghị quyết, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân một cách nhanh nhất, thiết thực nhất; hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần gắn bó Nhân dân với chính quyền và ngược lại.
Vai trò của tổ chức chính trị xã hội (CTXH) trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách là phối hợp với NHCSXH huyện chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời có trách nhiệm thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Các tổ chức CTXH chính là cầu nối giữa Nhà nước và N hân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Tổ TK&VV tại cơ sở, từ đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách dễ dàng, thuận lợi. Bên cạnh đó, các tổ chức CTXH phối hợp với Trưởng thôn trực tiếp tham gia vào công tác bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV và mục đích sử dụng vốn của hộ vay; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu kinh tế, từ đó đồng vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao hơn giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổng dư nợ uỷ thác thông qua các tổ chức CTXH đến 30/6/2022 là 353.146 triệu đồng, chiếm 99,3% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH.
Giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình cho vay vốn với từng đối tượng cụ thể
Tính đến nay, NHCSXH huyện Na Rì đã tổ chức cho vay vốn các đối tượng theo các chương cụ thể như sau: Chương trình cho vay Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Chương trình cho vay Xuất khẩu lao động; Chương trình cho vay Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg; Cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững, bởi hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo thì điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro. Kể từ khi triển khai trên địa bàn huyện đến nay, chương trình cho vay này đã giúp cho trên một nghìn hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Dư nợ là 15.520 triệu đồng tăng 15.520 triệu đồng, tương ứng tăng 100% so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 4,4% so với tổng dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 35,9%. Số hộ còn dư nợ là 234 hộ, dư nợ bình quân 66,3 triệu đồng/hộ. Sau 8 năm triển khai từ năm 2015 đến tháng 6/2022 đã có 421 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền 24.971 triệu đồng. Những con số cụ thể trên đã chứng minh được việc hiệu quả của chính sách vay vốn theo từng chương trình cụ thể, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao dần chất lượng cuộc sống.
Tiếp tục phát triển Tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững, bám sát những thành quả đạt được trong 20 năm qua
"Căn cứ vào định hướng, kế hoạch hoạt động, các giải pháp quan trọng của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện Na Rì, NHCSXH huyện Na Rì tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH cấp trên, của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp và phát huy những bài học kinh nghiệm, những kết quả đạt được trong 20 năm qua. Tiếp tục định hướng phát triển Tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước giao; gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác" - Đồng chí Hoàng Văn Thái – Giám đốc NHCSXH huyện Na Rì khẳng định.
Nhìn lại kết quả đạt được trong 20 năm qua cùng với các chương trình mục tiêu của huyện, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giúp trên 3 nghìn hộ gia đình thoát nghèo, giúp trên 618 hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững; giúp 1.288 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất và lãi suất thấp để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo, trên 9 nghìn lượt hộ gia đình có điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt, giúp trên 3 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện tiếp tục theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học và dạy nghề, góp phần nâng cao lao động qua đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, số lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc đạt trên 1.900 lượt lao động, trên 11 ngàn lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư chăn nuôi trên 15 nghìn gia súc, trên 300 nghìn con lợn, con gia cầm, trồng rừng (keo, mỡ, hồi, quế…) được trên 4.000 ha, cải tạo, trồng mới các lợi cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, hồng...) mua sắm vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…) để phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Qua 20 năm triển khai tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, đã khẳng định được vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, được xã hội đồng tình ủng hộ, đồng thời cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ tập trung kênh tín dụng chính sách vào một đầu mối và chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, hướng về mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội là hướng đi đúng đắn. Hơn nữa, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian qua đã khẳng định được tính ưu việt, đặc thù riêng có của NHCSXH, thể hiện kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách hữu hiệu, tin cậy, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Việt DũngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.