Nhiệt độ cơ thể bình thường của người là bao nhiêu?

Tư vấn kiến thức
09:45 AM 17/11/2021

Nhiệt độ cơ thể bình thường của người thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động.

Nội dung:
  • 1. Nhiệt độ cơ thể khác nhau như thế nào?
  • 2. Nhiệt độ cơ thể bình thường của người lớn
  • 3. Nhiệt độ bình thường ở trẻ em
  • 4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ
  • 5. Làm thế nào để đo nhiệt độ cơ thể chính xác nhất?

Như chúng ta đều đã biết, nhiệt độ cơ thể bình thường của người trưởng thành là khoảng 98,6 ° F hay 37 ° C. Tuy nhiên trên thực tế, thân nhiệt cơ bản của mỗi người là khác nhau và có thể luôn cao hơn hoặc thấp hơn một chút.

1. Nhiệt độ cơ thể khác nhau như thế nào?

Tùy vào các vị trí đo trên cơ thể mà các chỉ số nhiệt độ có thể sẽ khác nhau. Thông thường khi đo ở hậu môn sẽ cho nhiệt độ cao hơn so với đo miệng, trong khi đó các kết quả đo nhiệt độ từ nách có xu hướng thấp hơn.

Các chỉ số nhiệt độ cơ thể bình thường sẽ thay đổi trong một phạm vi nhất định tùy thuộc vào các yếu tố như sau:

- Tuổi và giới tính của một người.

- Thời gian đo trong ngày. Thông thường thân nhiệt sẽ thấp nhất vào sáng sớm và cao nhất vào cuối buổi chiều.

Nhiệt độ cơ thể bình thường của người là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Thân nhiệt bình thường của cơ thể thay đổi tùy theo vị trí đo nhiệt độ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: Nhiệt độ xuống thấp kiểu "phi mã" có thể gây ra những tổn thương nào cho cơ thể?

- Mức độ hoạt động của người đó cao hay thấp.

- Thức ăn và đồ uống mà họ đã tiêu thụ.

- Đối với phụ nữ, giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của họ cũng có thể là nhân tố ảnh hưởng đến thân nhiệt.

- Phương pháp đo lường, chẳng hạn như miệng, hậu môn hay nách.

2. Nhiệt độ cơ thể bình thường của người lớn

Nhiệt độ cơ thể bình thường của người lớn có thể dao động từ 97,6–99,6 ° F, tương đương từ 36,4 đến 37,6 ° C. Mặc dù các vị trí đo khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau, nhưng nếu người lớn có nhiệt độ cơ thể trên 100,4 ° F hay 38 ° C là đang bị sốt.

Ở người lớn, các nhiệt độ sau đây cho thấy mức độ bị sốt của một người:

- Từ 38 ° C trở lên là sốt.

- Từ 39,5 ° C trở lên là sốt cao.

- Từ 41 ° C trở lên là sốt rất cao.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét sự khác biệt giữa nhiệt độ cơ thể bình thường của mọi người với nhau và phát hiện ra rằng người lớn tuổi có nhiệt độ thấp nhất, phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiệt độ cao hơn đàn ông da trắng.

Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng một số điều kiện y tế có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể của một người. Ví dụ, những người có tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp) có xu hướng có nhiệt độ thấp hơn, trong khi những người bị ung thư có nhiệt độ cao hơn.

3. Nhiệt độ bình thường ở trẻ em

Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ 3–10 tuổi dao động từ 95,9–99,5 ° F hay tương đương với từ 35,5 đến 37,5 ° C khi đo ở miệng. Tuy nhiên, nhiệt độ bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có phạm vi nhiệt độ cơ thể cao hơn so với người lớn khi đo ở nách và tai.

Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ 0–2 tuổi nằm trong khoảng 36,6 – 38 ° C khi đo ở hậu môn. Nhiệt độ cơ thể cũng sẽ tăng lên một chút khi trẻ mọc răng. Thân nhiệt của bé cao hơn vì chúng có diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn so với trọng lượng cơ thể. Cơ thể của chúng cũng hoạt động trao đổi chất nhiều hơn, tạo ra nhiều nhiệt hơn so với người lớn.

Nhiệt độ cơ thể bình thường của người là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Trẻ em có thân nhiệt cao hơn so với người lớn (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, cơ thể trẻ sơ sinh không điều chỉnh nhiệt độ tốt như cơ thể người lớn. Chúng sẽ đổ mồ hôi ít hơn khi trời ấm, có nghĩa là cơ thể giữ nhiệt nhiều hơn. Việc hạ nhiệt khi bị sốt cũng có thể khó khăn đối với trẻ em hơn là ở người lớn.

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Thân nhiệt cao là một triệu chứng phổ biến của các bệnh cấp tính. Mức nhiệt độ có thể gây nguy hiểm còn phụ thuộc vào độ tuổi của mỗi người. Cụ thể:

Đối với người lớn

- Nhiệt độ từ 38 –39.5 ° C do các bệnh cấp tính gây ra sẽ không gây hại đáng kể cho người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, những cơn sốt vừa phải vẫn có thể là tình trạng đáng báo động đối với những người đang gặp các vấn đề về tim hoặc phổi.

- Khi nhiệt độ trên 39.5 ° C hoặc thấp hơn 35 ° C, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt là khi đi kèm các dấu hiệu khác như lú lẫn, đau đầu hoặc khó thở. Nhiệt độ trên 41° C có thể gây suy nội tạng. Trường hợp thân nhiệt giảm xuống dưới 35 ° C có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với trẻ em

- Trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi bị sốt nhưng nhiệt độ thấp hơn 39 ° C không nhất thiết phải cần dùng thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu trẻ có thân nhiệt trên 39 ° C, hoặc có nhiệt độ thấp hơn nhưng đang bị mất nước, nôn mửa, tiêu chảy.

- Với trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở xuống có nhiệt độ cơ thể đo tại hậu môn từ 38 ° C trở lên, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay lập tức. Ở trẻ sơ sinh, sốt nhẹ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

5. Làm thế nào để đo nhiệt độ cơ thể chính xác nhất?

Có nhiều loại nhiệt kế và phương pháp để đo tốt nhất còn tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người. Đối với trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi, phương pháp đo tốt nhất là ở hậu môn, trong khi đó với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi, phụ huynh có thể đo tại hậu môn, tai hoặc nách.

Đối với trẻ từ 4 đến 5 tuổi, phương pháp đo nhiệt độ cơ thể có thể áp dụng là ở miệng, hậu môn, tai hoặc nách. Còn với trẻ từ 5 tuổi đến người lớn thì nơi đo tốt nhất là ở miệng, tai hoặc nách

Làm theo hướng dẫn trên bao bì nhiệt kế để có thể bắt đầu kiểm tra kết quả. Nếu kết quả đo nhiệt độ cao hoặc thấp bất thường, hãy thực hiện lại sau khoảng 5 đến 10 phút.

Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323819#how-to-take-your-temperature


Anh Dũng
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu thủy sản trở lại mốc 1 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản trở lại mốc 1 tỷ USD

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã tăng mạnh trở lại đạt mức hơn 1 tỷ USD, một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.