Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động

Xã hội
03:35 PM 21/12/2021

Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội vừa ra Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Mục tiêu là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều người lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, bị mất việc. Nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập bền vững, cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động, Quyết định 1405 sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ kết nối cung – cầu lao động.

Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều người lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, bị mất việc (Ảnh: báo Lao động)

6 nhiệm vụ chính để phục hồi và phát triển thị trường lao động

Quyết định 1405 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hộ nêu rõ 6 nhiệm vụ chính để phục hồi và phát triển thị trường lao động:

Thứ nhất, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Với nhóm lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội hứa bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể: (1) Tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác; (2) Hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế; (3) Phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; (4) Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn ca, tiền lương, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội.

Với nhóm lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Bộ cam kết hỗ trợ các chính sách về vận tải công cộng, xét nghiệm miễn phí, tiêm vac xin, và sinh hoạt phí hàng ngày.

Thứ hai, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, hoặc phát sinh nhiều chi phí liên quan tới y tế, sức khỏe cho người lao động. Do đó, Bộ chủ trương hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới như: đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh lao động, thực hiện các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Cụ thể: Bộ sẽ hướng dẫn người sử dụng lao động về các cơ chế vay tiền để trả lương theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng; chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc; đào tạo trực tiếp cho lao động địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh; bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ Quốc gia về việc làm.

Thứ ba, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động.

4 hướng giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; Nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; Chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Thứ tư, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ.

Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động - Ảnh 2.

Người lao động có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với việc làm sau đại dịch.

Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.

Dữ liệu, thông tin về thị trường lao động sẽ được Bộ tổ chức điều phối, chia sẻ dữ liệu đến địa phương, đặc biệt là về nhu cầu tuyển dụng lao động để các địa phương chủ động rà soát. Đây là tiền đề để các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn phương án huy động, bổ sung, phát triển nguồn lao động từ sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.

Thứ năm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là cơ sở để Bộ hoàn thiện các quy định về lao động, việc làm, tạo hành lang pháp lý cho thị trường phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trên quan điểm ứng dụng nền tảng công nghệ số, Bộ sẽ xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý, nhằm thực hiện chính xác, kịp thời các chính sách. Bên cạnh đó, các Trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động hiệu quả, hoặc nằm trong trọng điểm đầu tư sẽ được ưu tiên, để vừa hình thành mạng lưới thông tin thị trường, vừa quản lý, điều tiết thị trường.

Thứ sáu, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động, hòa giải viên, trọng tài viên để giải quyết kịp thời tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng sẽ được chủ động nắm bắt.

7 việc địa phương phải thực hiện gấp

Về phía địa phương, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở LĐTBXH thực hiện gấp 7 việc.

Một, xây dựng phương án với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế, tạo việc làm. Hai, nằm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; nhu cầu tìm việc cảu người lao động để tránh thiếu hụt cục bộ, nhất là thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ba, nghiên cứu chính sách giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động giữ chân người lao động để yên tâm làm việc. Bốn, giới thiệu, tạo việc làm ổn định cho người lao động trở về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam.

Năm, tăng cường, đa dạng hóa hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung – cầu lao động.

Sáu, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Bảy, định kỳ trước ngày 15 tháng đầu tiên của Quý gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu

Đan Mạch được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư toàn cầu. Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu.