Nhiều chính sách tín dụng "tiếp sức" cho người khuyết tật
Để hỗ trợ người khuyết tật (NKT) dễ hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã đặc biệt quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi đối với NKT, trong đó chính sách ưu đãi về tín dụng đã hỗ trợ NKT hiệu quả nhất.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và những NKT, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách để góp phần hỗ trợ vốn vay cho NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lao động là NKT, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Ngay từ khi được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QD - TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 4/10/2002), NHCSXH đã thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo, đặc biệt là chính sách tín dụng đối với NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT để họ có thể phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt trong 2 ngày 12-13/04/2018, NHCSXH đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Quỹ Nippon Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật" tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, số 2 Hoa Lư, Hà Nội. Đây chính là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4).
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý và ông Yasunobu Ishi, Giám đốc Quỹ NIPPON Nhật Bản cùng đại diện một số cơ quan Trung ương, các cơ quan phát triển Quốc tế, các đại sứ quán, doanh nghiệp, cơ sở tiêu biểu của NKT trong hoạt động tạo việc làm…
Hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu, các nhà quản lý, cộng đồng NKT được chia sẻ về các chính sách, giải pháp tín dụng để phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm hữu ích nhất giúp cho NKT Việt Nam tự tin hơn hòa nhập vào cuộc sống.
Đáng chú ý, trong Hội thảo, NHCSXH đã tạo điều kiện cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và thông qua dự án "Mở rộng tiếp cận tài chính cho NKT - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ", do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ, để NKT có thể khởi nghiệp và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập bền vững và độc lập về kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đến nay, dù dư nợ cho vay đối với NKT và doanh nghiệp sử dụng lao động NKT là 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ nhưng hiệu quả của tín dụng chính sách đối với NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT đã mang lại cuộc sống yên tâm và tự tin hơn cho NKT. Nhờ đó, NKT và doanh nghiệp sử dụng NKT có động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Các cấp bộ, ban, ngành sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về NKT, tạo điều kiện để NKT được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Những năm gần đây, nhờ có sự tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ Quốc gia về việc làm; việc xem xét, bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với NKT và doanh nghiệp sử dụng NKT; việc các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ nguồn vốn thông qua NHCSXH cho vay, tạo tạo việc làm cho NKT và doanh nghiệp do NKT làm chủ... mà các hoạt động giới thiệu và trưng bày, các sản phẩm, dịch vụ của NKT và doanh nghiệp sử dụng NKT được phát triển.
Các sản phẩm của NKT và doanh nghiệp sử dụng NKT được trưng bày, giới thiệu
Với nỗ lực và sáng tạo của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị và xây dựng nông thôn mới, NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhận định: "Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra để giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển Kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, tín dụng đối với NKT, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT để phát triển kinh tế đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Báo cáo số 660/BC - UBTVQH13 ngày 19/5/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội XIII cũng đánh giá: "Chính sách tín dụng cho hộ nghèo và NKT là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo và NKT, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước với các tổ chức đoàn thể người nghèo, NKT thông qua NHCSXH, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo, NKT với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng".
Thông qua chính sách tín dụng này, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Tổ chức Hỗ trợ Gia cư Habitat tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng" để tạo điều kiện cho NKT có "công ăn việc làm" và các doanh nghiệp sử dụng NKT hoạt động thuận lợi hơn.
Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã giới thiệu các quy định, chính sách tín dụng liên quan đến NKT
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về một số mô hình trợ giúp NKT như: Giải pháp nhà tiếp cận của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; mô hình phòng chống thiên tai đối với NKT của Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình tổ chức xã hội của NKT phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm phù hợp và ổn định đối với NKT của Hội NKT TP. Hà Nội; mô hình sinh kế/việc làm dành cho NKT của Tokyo Life; mô hình khởi nghiệp cho thành niên khuyết tật của Hội vì sự tiến bộ của NKT Việt Nam khi được hưởng chính sách tín dụng của Chính phủ thông qua NHCSXH.
Những hộ nghèo, NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lao động là NKT được NHCSXH cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, quy trình cho vay đơn giản dễ thực hiện... mở ra nhiều cơ hội giúp NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lao động là NKT mở rộng sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ, góp phần làm tăng sản phẩm cho xã hội, khuyến khích NKT có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, không còn mặc cảm, hòa nhập với xã hội…
Hoàng VânCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.