Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với RCEP
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái khẳng định: "Các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP) tạo ra".
Ngày 19/11, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về "Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức". Tại buổi sinh hoạt, ông Lương Hoàng Thái cho biết: "DN sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây".
Việc này tạo ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra. Tuy nhiên, với RCEP, cơ hội đến với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không tức thì vì trên thực tế, quy mô thị trường của RCEP là những thị trường mà Việt Nam đã có theo các FTA trước đó.
Báo Kinh tế Đô thị dẫn lời phân tích của bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): “Cơ hội của RCEP đến chính là từ quy tắc xuất xứ nội khối. Trong các nước thành viên của RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu, do vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo hiệp định và được hưởng các ưu đãi thuế quan”.
Các nhà quản lý khi nhận định về áp lực cạnh tranh khi Việt Nam tham gia RCEP cho rằng, hoàn toàn không lo ngại vì Việt Nam đang đi trước một bước. Ngoài RCEP, Việt Nam đã có các FTA với mức độ cao hơn so với RCEP.
Ví dụ, với Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai bên cùng tham gia, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh. Trong khi đó, RCEP có mức cam kết thấp hơn, do vậy, áp lực cạnh tranh đã được lường trước.
Bởi vậy, ông Lương Hoàng Thái đã gợi ý cách khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại.
Việc đầu tiên DN Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Ngoài các lợi ích, DN trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà RCEP đem lại, Bộ Công Thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Cụ thể, Bộ đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về hiệp định cho các tổ chức, DN trong nước; xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chú trọng nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng DN.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế vào thị trường các nước RCEP. Đồng thời, phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các DN, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.
Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đến cuối lộ trình sau 15 - 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 90,7 - 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9 - 100% số dòng thuế.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.