Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon
Việt Nam đang có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới. Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc mua bán tín chỉ carbon.
Tại chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 76 với chủ đề “Tín chỉ carbon - ai bán ai mua” do Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định tín chỉ carbon có thể được DN phát thải sử dụng bù đắp lượng khí nhà kính (KNK) vượt quá mức cho phép được phân bổ nhưng không quá 10% tổng hạn ngạch được cấp cho cơ sở đó.
Như vậy, đối với tín chỉ carbon, DN chỉ mua bán 10% tổng hạn ngạch của mình. Đây là thông lệ tốt trên thế giới khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK mới hình thành chứ không riêng Việt Nam.
Bên cạnh đó, hạn ngạch carbon đến trước 2025 chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam phân bổ nên DN chưa biết lượng tín chỉ carbon cần mua để bù đắp phần thiếu hoặc tạo thành mới không bị trùng với hạn ngạch phát thải được yêu cầu tuân thủ.
Trong khi chờ sự phân bổ hạn ngạch phát thải theo cam kết của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới về nỗ lực giảm phát thải theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), DN có thể tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện trước. Sau đó vẫn có cơ hội quay lại thị trường tín chỉ carbon bắt buộc trong nước khi hình thành, dự kiến thí điểm 2025 và chính thức 2028.
Cũng theo TS. Nam, khác với thị trường tín chỉ carbon bắt buộc với sự tham gia của Chính phủ, thị trường carbon tự nguyện trên thế giới do các Tổ chức phi Chính phủ đứng ra dùng uy tín của họ thuyết phục cá nhân, tổ chức mua bán tài sản của mình là tín chỉ carbon trên hệ thống nền tảng của họ.
"Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện thế giới có quy mô 2 tỉ USD/262 tỉ USD (2021) so với thị trường bắt buộc nhưng thời gian qua phát triển rất nhanh. Tại Việt Nam đã có các đơn vị đăng ký tạo tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện nhưng không biết đã có ai bán chưa", TS. Nam nói.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành năng lượng và sản xuất, bắt đầu tiếp cận, tìm hiểu và tham gia vào các dự án giảm phát thải nhằm bước đầu tạo và giao dịch tín chỉ carbon. Các sáng kiến này thường tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và quản lý đất bền vững.
Giá tín chỉ carbon tự nguyện cũng tương tự giá tín chỉ carbon bắt buộc, có thể dao động rất lớn, từ 5 đến gần 100 USD, phụ thuộc vào thời điểm, quy mô giao dịch, ngành sản xuất… Ví dụ, các báo cáo thống kê cho thấy giá mua tín chỉ carbon của ngành sản xuất và tái chế nhựa có thể lên đến 100 USD trên một tín chỉ (giá trần) do ngành này tác động lớn đến môi trường và rất khó để giảm phát thải. Trong khi đó, giá tín chỉ carbon từ dừa và rừng thường dao động trong khoảng 5-10 USD/tín chỉ. Do đó, việc hiểu biết về thị trường và dự đoán các xu hướng giá sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư thông minh.
An Mai (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.