Nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản cuối năm

Xuất nhập khẩu
08:36 AM 19/11/2024

Khoảng thời gian cuối năm 2024 sẽ là lúc tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng nông sản với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc kỷ lục khoảng 60 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần bằng con số của cả năm 2023. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của chúng ta như cà phê, hạt điều, gạo, rau quả đạt mức tăng trưởng chưa từng có.

Xuất khẩu nông sản nhiều thuận lợi cho thấy các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung ứng hàng hoá xuất nhập khẩu đã phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, chất lượng nông sản nước ta ngày một nâng cao, chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản cuối năm- Ảnh 1.

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản cuối năm. Ảnh: Int

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục khởi sắc và có thể vượt mọi dự báo, đạt mốc kỷ lục mới 7,5 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với năm ngoái. Sầu riêng và xoài là 2 nhóm hàng xuất khẩu mạnh với nhiều tín hiệu khả quan.

Sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có sầu riêng trái vụ cung ứng xuất khẩu. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng mạnh nhất, giá sầu riêng tăng cao gấp đôi ngay từ những tháng đầu năm, hiện giữ mức kỷ lục 165.000 đồng/kg.

Với mặt hàng hồ tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, xuất khẩu cũng về đích sớm khi đặt kế hoạch năm 2024 đạt 1 tỷ USD, song trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng đến 48% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, với mặt hàng cà phê, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mang về hơn 4,6 tỷ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỷ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê Việt.

Về mặt hàng gạo, 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, bên cạnh sự bứt tốc về đích sớm của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch bứt phá ấn tượng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã nhận được đơn hàng cho năm mới.

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau, quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các hiệp định thương mại và nghị định thư. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tăng 25% so với năm 2023, lên hơn 7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngoài các thị trường truyền thống, ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đến việc khai thác các thị trường có lợi thế tiềm năng mới, trong đó có thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo. 

Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) được ký kết, mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cụ thể, Việt Nam đang là một trong ba nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường UAE với giá trị xuất khẩu tăng từ 1,6 triệu USD năm 2019 lên gần 4 triệu USD năm 2023, tăng 139% trong 5 năm. Việt Nam hiện cũng là nguồn cung cá tra lớn nhất tại UAE, chiếm 40-50% thị phần. Ngoài ra, UAE cũng là một trong ba thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nông nghiệp Việt Nam là lợi thế quốc gia. Nếu chúng ta giải quyết được những tồn tại, khó khăn và thách thức thì tiềm lực, lợi thế của ngành nông nghiệp sẽ được phát huy, không phải chỉ với thị trường trong nước 100 triệu dân mà còn có sức lan tỏa sâu rộng đối với thị trường thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 thế giới, nếu khắc phục được những hạn chế, khó khăn thì chúng ta có thể vươn lên đứng thứ 9, thứ 10 trên thế giới.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn