Nhiều cửa hàng xăng dầu tại miền Tây đóng cửa vì lỗ hoặc không còn hàng bán
Theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường, nhiều cửa hàng xăng dầu ở An Giang, Sóc Trăng dừng hoạt động nghỉ bán vì đứt gãy nguồn cung hoặc giá nhập bằng giá bán nên lỗ phải xin tạm ngưng.
Trước áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung không được đảm bảo nhưng nhìn chung phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường An Giang, một số đơn vị kinh doanh ở huyện Thoại Sơn có tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động. Các trường hợp này có báo cáo về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công Thương tỉnh An Giang với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PVoil).
Cụ thể, 7 trường hợp ngưng hoạt động gồm 4 cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (đến nay đã hoạt động lại 1 cửa hàng; còn 3 cửa hàng đóng cửa).
Ở huyện Phú Tân, có một số trường hợp ngưng hoạt động như doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp này có đơn xin nghỉ từ ngày 5/2 đến 12/2 vì lý do giá nhập bằng giá bán, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ.
Còn ở doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ, Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) thông tin hiện nay nguồn xăng không đủ giao cho doanh nghiệp, Petrolimex hẹn đến ngày 8/2 mới giao xăng cho doanh nghiệp. Hiện nay cửa hàng Hiệp Vinh chỉ bán dầu.
Còn doanh nghiệp xăng dầu Trần Thanh Bởi - thị trấn Phú Mỹ thì có đơn xin nghỉ từ ngày 4/2 đến 7/2 với lý do không có nhân viên phục vụ.
Các cây xăng còn lại trên các địa bàn: Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu hoạt động bình thường.
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Văn Rư, Giám đốc Công ty TNHH Dư Hoài (Sóc Trăng) cho biết, từ 26 Tết, các đầu mối xăng dầu ở Cần Thơ tạm ngưng cung cấp hàng cho đến mùng 7 tháng Giêng.
"Các đầu mối ngưng cung cấp hàng nhiều ngày với lý do Tết khiến xăng dầu khan hiếm, không có hàng. Mục đích của các đầu mối là không muốn bán hàng. Họ tính sản lượng 3 tháng liền kề của các đại lý và chia bình quân tháng hoặc ngày để cung ứng xăng, dầu với số lượng tương đương trong tháng 2 này", ông Rư chia sẻ.
Theo ông Rư, dịp Tết các đại lý bán tăng sản lượng 5-7 lần nên hết xăng dầu cục bộ. Phía đại lý rất muốn mua nhưng đầu mối không bán với lý do xăng dầu về không kịp."Xăng dầu thế giới tăng giá liên tục, đầu mối bán ra với giá này mà mua lại với giá cao hơn thì bán sẽ lỗ vốn. Các đại lý mấy hôm nay bán lỗ vì hoa hồng bằng 0 đồng. Một số đại lý nhận hoa hồng 100 đồng/lít xăng, dầu nhưng chi phí vận chuyển từ Cần Thơ về Sóc Trăng tốn 150-200 đồng/lít nên lỗ vốn."
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian gần đây, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trước đó có văn bản yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu…
Khánh VyTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.