Nhiều địa phương liên tiếp đón nhận tin vui sau chuỗi ngày gồng mình chống dịch
Tại nhiều địa phương, tình thành trên cả nước như Nghệ An, Đồng Nai, Điện Biên... đã liên tiếp đón nhận những chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Tạm dừng hoạt động Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới, 64 bệnh nhân COVID-19 đều đã được chữa khỏi và ra viện, từ ngày 19/9, tỉnh Điện Biên sẽ tạm dừng hoạt động của Bệnh viện dã chiến ở thành phố Điện Biên Phủ.
UBND tỉnh Điện Biên giao Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ - nơi đặt Bệnh viện dã chiến - triển khai các hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường, theo chức năng, nhiệm vụ kể từ ngày 20/9 để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ có trách nhiệm quản lý toàn bộ các trang thiết bị, do Bộ Y tế và tỉnh Điện Biên hỗ trợ trong quá trình thành lập, vận hành Bệnh viện dã chiến. Đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng kích hoạt trở lại khi có yêu cầu.
Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ được thành lập thần tốc chỉ trong vòng 15 giờ đồng hồ vào tháng 2/2021, với sự hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị hiện đại của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai. Thời điểm đó, tỉnh Điện Biên bước đầu ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 và nhiều F1 liên quan.
Cần Thơ: Chuyển trạng thái các huyện "vùng xanh"
Tối 17/9, UBND TP. Cần Thơ có văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, các huyện “vùng xanh” gồm: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh sẽ thực hiện việc áp dụng Chỉ thị số 15 từ 0h ngày 18/9. Người dân được phép di chuyển trong phạm vi “vùng xanh” và giữa các địa phương “vùng xanh” với nhau. Ngược lại, người dân từ địa phương chưa được thiết lập “vùng xanh” không được di chuyển vào địa bàn “vùng xanh”, trừ trường hợp cấp cứu về y tế, gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, tang lễ; lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh; người đi thực hiện nhiệm vụ công vụ; nhà báo, phóng viên; người phát hành thư báo,...
Người dân tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn Thành phố hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh COVID-19 trừ các trường hợp cấp cứu về y tế và trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch UBND thành phố cho phép.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Nhà nước phải di chuyển hàng ngày giữa các quận, huyện để làm việc thì được phép ra, vào "vùng xanh". Tuy nhiên, phải có giấy đi đường và cam kết trong suốt quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không đi đến các khu vực có liên quan đến bệnh nhân COVID-19 hoặc khu cách ly, phong tỏa.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ sử dụng người lao động có nơi ở trên địa bàn "vùng xanh" và đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19.
Cơ quan, công sở Nhà nước trở lại hoạt động bình thường. 100% người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã chữa khỏi bệnh COVID-19 phải làm việc tại công sở.
Bên cạnh đó, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.
Các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; chợ đầu mối, các chợ truyền thống; sự kiện, lễ hội, thể thao, tôn giáo; kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu,...sẽ tiếp tục tạm dừng.
Đám tang, đám cưới tập trung không quá 20 người, bảo đảm khoảng cách và phải được cơ quan y tế giám sát chặt chẽ, hạn chế tổ chức ăn uống. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích được phép hoạt động nhưng không quá 10 người.
Hàng quán ăn, uống được phép buôn bán tại chỗ, mỗi bàn không quá 2 người, khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m và bố trí không quá 5 bàn. Khuyến khích bán hàng mang đi; không được phục vụ bia, rượu.
Riêng đối với 5 quận gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt sẽ tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 18/9 đến 0h ngày 25/9.
Các huyện "vùng xanh" cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo vệ vững chắc vùng xanh đã được thiết lập. Đồng thời, lập các rào chắn cứng (không được lưu thông) và các chốt kiểm soát mềm tại những địa bàn giáp ranh để bảo vệ vùng xanh.
Nghệ An: Nhiều huyện chuyển trạng thái bình thường mới
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 17/9 đến 06h00 ngày 18/9), Nghệ An không ghi nhận ca dương tính mới với SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương không ghi nhận ca nhiễm mới, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn huyện Nghi Lộc và 33/37 xã của huyện Diễn Châu (trừ các xã Diễn Yên, Diễn Đoài, Diễn Hồng, Diễn Nguyên). Thời gian áp dụng: Từ 00h00 ngày 18/9/2021.
Như vậy, đến thời điểm này Nghệ An đã có 17/21 địa phương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Đồng Nai ban hành kế hoạch mở cửa trở lại sau ngày 20/9
Ngày 17/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết sau thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay Đồng Nai đã có nhiều "vùng xanh".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng ngày 16/9, tỉnh ghi nhận 309 ca mắc COVID-19, đây là số ca mắc trong ngày thấp nhất ở Đồng Nai gần 2 tháng qua. Toàn bộ ca mắc đều ở các khu cách ly, phong tỏa, không có ca ngoài cộng đồng (khu vực không kiểm soát). Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy công tác phòng, chống dịch đi đúng hướng.
Các ngành chức năng và người dân không vì những con số này mà chủ quan, song cũng căn cứ vào đó để tự tin thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tạo tiền đề bước vào trạng thái bình thường mới.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, từ ngày 20/9, tỉnh bắt đầu thực hiện kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Việc từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội được tỉnh triển khai hết sức thận trọng, trước mắt nới lỏng "vùng xanh" theo cấp xã với 4 khung (Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg và bình thường mới). Mỗi phường xã sẽ xây dựng kế hoạch cho địa phương mình ứng với các tiêu chí và 4 khung đã ban hành.
Ông Cao Tiến Dũng cho biết, với tinh thần mở cửa dần dần, sau khi các địa phương "vùng xanh" thực hiện nới lỏng từ 1 đến 2 tuần, Đồng Nai sẽ tính toán việc nới lỏng đến các ấp, khu phố, nhất là các ấp, khu phố liền kề các tuyến đường, không đi qua "vùng đỏ."
Hồng NhuậnTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.