Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng mở rộng kinh doanh

Doanh nghiệp
09:11 AM 25/04/2024

Tình hình thị trường tiêu thụ đang phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh do kinh tế tư nhân vẫn ở mức thấp.

Tại tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề “Nhận diện kinh tế quý I.2024: Mở lối cho kinh tế cả năm”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân chưa thể trở lại mức 13 - 15% như trước; quý I năm nay, đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 4,2%, thấp hơn nhiều so với khu vực FDI với mức tăng 8,9% và đầu tư từ Nhà nước là 4,9%. Trong khi đó, đầu tư tư nhân chiếm 55 - 60% tổng đầu tư xã hội, khu vực này chưa đột phá thì sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng mở rộng kinh doanh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, con số tăng trưởng của đầu tư tư nhân như vậy là rất thấp, bởi thông thường, tốc độ tăng trưởng của đầu tư nhân phải tăng gấp đôi ở mức 8-9%. 

Điều này cho thấy hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng "xuống tiền" để mở rộng sản xuất - kinh doanh do còn lo lắng và thận trọng với môi trường kinh doanh bấp bênh.

Điển như tại báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty CP Gỗ An Cường, sau quãng thời gian đối mặt với COVID-19, khủng hoảng kinh tế và nhiều vấn đề xảy ra, doanh nghiệp này chưa có kế hoạch mở rộng, xây thêm nhà xưởng ít nhất là trong 5 năm tới, mà đang tối ưu hóa khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí và cố gắng chạy hết công suất của nhà máy.

Theo các chuyên gia, đầu tư từ khu vực tư nhân ảm đạm do nhiều nguyên nhân, trong đó thị trường trong nước chưa phục hồi, tiêu dùng trong nước thấp, bất động sản "bất động" hay xuất khẩu đến các thị trường sụt giảm.

Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia chỉ ra là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro. Từ đó dẫn đến tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp.

Vì vậy, muốn thúc đẩy đầu tư tư nhân cho doanh nghiệp trong lúc này cần tập trung cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn thay vì tập trung quá nhiều vào nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các chuyên gia cho rằng, cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước. Khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng lên sẽ tăng nhu cầu về tín dụng. Câu chuyện này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nếu tăng trưởng tín dụng không đi vào sản xuất sẽ đi vào thị trường tài sản và tạo ra "bong bóng".

Theo đó, cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn cần đi kèm với chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy đầu tư trong nước tạo ra hoạt động sôi động trên thị trường hàng hóa dịch vụ, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng thực của người dân và doanh nghiệp.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần

Hoa đỗ quyên đồng loạt nở rộ trên dãy Hoàng Liên Sơn, khiến Sa Pa trở thành “điểm nóng” hút hàng ngàn du khách đến thưởng hoa, sống ảo. Rất nhiều bí quyết được các tín đồ đỗ quyên chia sẻ để có được những khoảnh khắc ngắm hoa đẹp nhất và những bức ảnh check-in ưng ý nhất.