Nhiều doanh nghiệp tất toán trái phiếu BĐS trước hạn hàng nghìn tỷ đồng
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố mua lại trái phiếu trước hạn theo nhiều đợt hoặc tất toán với giá trị hàng nghìn tỷ đồng mỗi lô. Đa phần các trái phiếu này đáo hạn từ năm 2025 trở đi.
Nhằm thoát khỏi khủng hoảng đổ vỡ niềm tin từ sự kiện Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã ưu tiên mọi nguồn lực để xóa sạch dư nợ trái phiếu trong hai năm vừa qua.
Đối với doanh nghiệp bất động sản chưa đại chúng, nhóm hút vốn trái phiếu bất động sản lớn trong giai đoạn 2018 - 2021, cũng từng bước xử lý nợ trái phiếu bằng nhiều cách: Xin ý kiến trái chủ để gia hạn kèm điều kiện tăng lãi suất, bổ sung tài sản bảo đảm, hoán đổi nợ bằng bất động sản; chia các kỳ thanh toán sau thời gian đáo hạn thành nhiều đợt cùng một số điều kiện cụ thể...
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố mua lại trái phiếu trước hạn theo nhiều đợt hoặc tất toán với giá trị hàng nghìn tỷ đồng mỗi lô. Phần lớn các lô trái phiếu này được thu xếp bởi tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán thành viên, đồng thời là trái chủ.
Điển hình là CTCP Đầu tư Voyage công bố đã tất toán lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng. Theo kết quả chào bán được công bố, trái chủ là một tổ chức tín dụng trong nước. Voyage huy động số vốn này để đặt cọc, hướng đến nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích sàn thương mại dịch vụ của dự án Alpha City.
Trong tháng 3, CTCP Phát triển Địa ốc Sông Tiên và CTCP Hưng Thịnh Investment (hai công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) đã lần lượt tất toán 1.060 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn 3 - 6 năm.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH KN Cam Ranh (chủ đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise ở Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa); CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes, CTCP Sonadezi Châu Đức, CTCP Đầu tư Du lịch Vạn Hương… cũng đang từng bước mua lại trái phiếu trước hạn.
Việc tất toán trái phiếu trước hạn của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong thời gian gần đây có thể được xem là một phần trong hoạt động cơ cấu nói chung của các doanh nghiệp.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp bất động sản triển khai khi thị trường có những dấu hiệu hồi phục.
Động lực chính để các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn một mặt do tình trạng vướng mắc pháp lý khiến các dự án không triển khai kịp tiến độ, chủ đầu tư buộc phải mua lại trước hạn để tránh phải trả lãi hàng kỳ.
Ngoài ra, lãi suất các khoản vay giai đoạn trước khá cao, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc tất toán để vay lại với lãi suất thấp hơn. Chưa kể đến để củng cố niềm tin vào nhà đầu tư, giải pháp tất toán các khoản nợ trái phiếu quá hạn sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn để bảo toàn danh tiếng, tạo thuận lợi hơn trong các đợt huy động vốn phục vụ các dự án trong giai đoạn phục hồi 2024-2025.
Ở góc độ thị trường, theo ghi nhận của VBMA, trong năm 2024, ước tính sẽ có khoảng hơn 279.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%)
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.