Nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid – 19
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng.
Để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng, lắng nghe, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức 14 cuộc hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và có dư nợ tín dụng cao.
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại tỉnh An Giang
Tuần qua, 4 hội nghị được tổ chức tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương và Hải Phòng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, toàn ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: Từ việc đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, tạo nền tảng ổn định để khôi phục kinh tế sau dịch; liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên; ngành ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng.
“Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. Chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được các tổ chức tín dụng triển khai là tiền huy động từ tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế. Hơn nữa, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Chia sẻ những khó khăn, ông Võ Sơn Điền – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Dương cho biết, 3 tháng đầu năm 2020 doanh thu sụt giảm ít nhất 30%, có đơn vị 3 tháng không có doanh thu. Trách nhiệm với ngân hàng, tất cả các doanh nghiệp đều trả nợ đúng hạn không trễ hạn. Cái chúng tôi nhận thấy có ảnh hưởng ngay lập tức, đó là ưu đãi của Chính phủ về giãn nợ, giãn thuế. Còn lãi suất ngân hàng thì nhiều ngân hàng cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
"Cam kết với ngân hàng, có vay có trả đúng hạn. Ít nhất là đúng hạn. Cái chúng tôi cần hiện nay, cái trước tiên, lãi suất không quan trọng bằng giãn nợ vì dòng tiền chúng tôi đang nằm ở công trình, ở cảng, ở đối tác nước ngoài chưa về nhưng sẽ về. Giãn thế nào mong các ngân hàng nghiên cứu. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ vượt qua nếu có sự hỗ trợ tiếp của ngân hàng tạo sự đồng cảm", ông Điền giãi bày.
Còn theo ông Đặng Thế Lưỡng – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng): Qua nắm từ các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội, chúng tôi được biết: Ngoài việc đưa ra chính sách giảm tiền lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức Tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách, thông tư, quy định đúng lúc đã giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Về phía các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có giao dịch với Ngân hàng đều đã tiếp cận với Ngân hàng, đề nghị giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Ngân hàng cũng đã bước đầu thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ cũng như khoản vay mới. Lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thời điểm này đều giảm 2-3%/ năm so với những năm trước (lãi suất vay: 6.6%/năm).
Đại diện các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị tại Hội nghị
Ông Phạm Quang Thắng – Phó giám đốc Sở kế hoạch đầu tư Vĩnh Phúc cho hay, trong dịch Covid này, chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dịch sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay trong thời gian tới của doanh nghiệp. Điều này rất ý nghĩa. Tôi đề nghị, chính sách của tỉnh đề ra đó là hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp, ngân hàng trong thời gian tới hỗ trợ doanh nghiệp, lập những lớp đào tạo để giúp doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn vay.
Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, đến 15/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch Covid-19, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%).
Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến-chế tạo, Vận tải, Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, Giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Trước đó, ngay tại thời điểm dịch Covid 19 có những ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các Tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch; Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng chính sách xã hội có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả sau 02 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các Tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng chính sách đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 143 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 519 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 21 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.