Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh

Địa phương
11:14 AM 04/12/2023

Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh.

Vượt qua khó khăn, thách thức, du lịch Thanh Hóa đã và đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi liên tiếp nằm trong top các địa phương là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước trong thời gian qua. Bên cạnh các điểm đến đã được khẳng định thương hiệu, nhiều điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 1.

Sở hữu bãi biển đẹp, con người thân thiện, Sầm Sơn đã và đang là điểm đến du lịch lý tưởng của hàng triệu du khách thập phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định "du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn". Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kin tế - xã hội của tỉnh.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)… đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. 

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn… từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 2.

Dọc bãi biển Tiên Trang huyện Quảng Xương

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Sầm Sơn cho biết: Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách trong năm 2023, để hiện thực hóa các mục tiêu này, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường hiệu lực, hiêu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch từ đó đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách du lịch kéo dài thời gian hoạt động du lịch. Với nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, hy vọng Sầm Sơn sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của du khách trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)…

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang là một "hiện tượng" mới nổi trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của du lịch Thanh Hóa. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng khách du lịch như: khu du lịch Bến En Thanh Hóa (huyện Như Thanh) được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn xứ Thanh", suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), làng văn hóa dân tộc xứ Thanh (TP. Thanh Hóa)… đều tăng hơn cùng kỳ năm 2022 từ 30% đến 40%, có những điểm du lịch đã đón đủ chỉ tiêu về lượt khách cho cả năm 2023.

Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 3.

Mãn nhãn show nhạc nước tại “góc Singapore thu nhỏ” ở Sầm Sơn.

Tuy nhiên, du lịch biển vẫn là sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa với lượng khách dẫn đầu các khu du lịch trong tỉnh. Trong đó phải kể đến pha bứt phá ngoạn mục của thành phố Sầm Sơn, trong giai đoạn 2021-2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2023, Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỷ đồng, đóng vai trò chính để Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ tư cả nước về số lượng khách và doanh thu từ du lịch.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chỉ tiêu phát triển du lịch Thanh Hóa những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nếu như những năm 2019, Du lịch Thanh Hóa tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ, song chừng ấy vẫn chưa đủ đưa Thanh Hóa lọt vào nhóm các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế du lịch hàng đầu Việt Nam. 

Kể từ năm 2020 trở lại đây, cái tên Thanh Hóa luôn là địa chỉ ưu tiên hàng đầu cho khách du lịch. Theo ước tính, từ năm 2021 đến hết năm 2023, Thanh Hóa đã đón được trên 26,4 triệu lượt khách du lịch; tổng thu ước đạt trên 49.200 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 32.300 tỷ đồng; năm 2025 phấn đấu đón 16 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 45.500 tỷ đồng. Đồng thời triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 4.

Hàng nghìn người nô nức dự Lễ hội Lam Kinh 2023.

Cùng với những kết quả đạt được về chỉ tiêu tăng trưởng, công tác truyền thông về du lịch trong thời gian qua được đẩy mạnh, nhận thức về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập đã được nâng lên một tầm cao mới. Từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần, đến nay du lịch được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, nhiều hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bước đầu tạo chuyển biến tích cực về nhận thức đối với ngành kinh tế tổng hợp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt với phân khúc thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại một số thị trường như: Tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại thị trường các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu (liên bang Nga, Pháp, Đức…); xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Mỹ… Đồng thời, Thanh Hóa còn tổ chức đón tiếp các đoàn đại sứ, báo chí, truyền thông lớn đến khảo sát, quảng bá về du lịch về Thanh Hóa.

Nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch xứ Thanh- Ảnh 5.

Thành nhà Hồ - Di tích lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh.

Trao đổi với báo chí, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển du lịch Thanh Hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. 

Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, quan tâm đến giá cả, chất lượng phục vụ du khách. Tỉnh hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh, an toàn, gần gũi với thiên nhiên, đẩy mạnh một số phân khúc khách chuyên đề như du lịch Golf, MICE, chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư từ du lịch, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của du khách.

Mặt khác, ngành sẽ tranh thủ nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu, lựa chọn và phục dựng một số lễ hội văn hóa đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hóa, như: Lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Am Tiên, lễ hội Đàn tế Nam Giao (Thành Nhà Hồ), lễ hội Phủ Trịnh…

Năm 2023 đã gần khép lại, du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn nội tại cần vượt qua và cả những thách thức khách quan phải đối mặt. Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh. Đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch.

Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định Chương trình phát triển du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 16 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế 850 nghìn lượt, đưa du lịch trở thành một trong năm trụ cột tăng trưởng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đề ra các chính sách cụ thể, đột phá, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Du lịch phát triển./.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.