Nhiều giải pháp xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL
Ngày 29/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”.
Doanh thu du lịch TP. Cần Thơ năm 2023 đạt trên 5.400 tỷ đồng
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt 4,6 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 108 triệu lượt, vượt 5,8%. Doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5%.
Riêng TP. Cần Thơ, năm 2023, ngành du lịch thành phố đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách lưu trú đạt trên 2,9 triệu lượt. Khách lưu trú quốc tế gần 159.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết thêm, đến nay Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố, trên cả nước như: các tỉnh vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Thanh Hóa… qua đó góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương gặp gỡ, ký kết hợp tác phát triển tour tuyến du lịch và xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch đến TP. Cần Thơ và ngược lại.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ đã và đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố; phát huy vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch trong tình hình mới. Với mục tiêu năm 2025, ngành du lịch TP. Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh tranh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Ông Nguyễn Thực Hiện cũng đánh giá, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.
Du lịch ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đánh giá, khu vực ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ…
Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được. Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, da dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, ĐBSCL là mảnh đất có nhiều tiềm năng, để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh…
Trong những năm qua, du lịch ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá, hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các khu di tích lịch sử nổi tiếng, điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Sau đại dịch COVID-19, du lịch ĐBSCL cũng đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, tổng số khách đến "vùng đất Chín rồng" đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đánh giá cao các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch gửi đến Hội thảo. Đây là những bài viết chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích những khó khăn, hạn chế để đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Nhiều giải pháp đưa du lịch "vùng đất chín rồng" cất cánh
Tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, Liên kết không gian và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, cần xét trên yếu tố tự nhiên và đặc thù văn hóa, xã hội, trên cơ sở 2 không gian du lịch vùng phía Tây và phía Đông của ĐBSCL đã được xác định trong quy hoạch, có thể chia vùng ĐBSCL thành 4 cụm du lịch là: Cụm trung tâm gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Cụm bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực nam Tổ quốc, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía Đông gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái rừng đặc dụng ngập nước nội địa. Trên cơ sở đó, tạo ra các liên kết về không gian, về sản phẩm thành cụm, vùng, tiểu vùng sông Mekong hoặc liên kết giữa các nước ASEAN.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đánh giá, sản phẩm du lịch dù có tính đặc thù, nhưng nó là kết tinh tổng hợp của nhiều yếu tố vật chất, phi vật chất, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chuỗi giá trị du lịch không thể "gói" trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch; tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ đối với du lịch toàn vùng mà còn đối với các bên liên quan nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến địa bàn liên kết nói chung với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng chủ thể liên kết nói riêng.
Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường khi yếu tố cạnh tranh ngày một trở nên gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể hành chính trong mỗi vùng, mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Còn dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển tour tuyến và sản phẩm du lịch ĐBSCL, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ Lê Đình Minh Thy cho rằng, ĐBSCL có cả một tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, với hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc; từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Những ưu thế này, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của khẩn hoang Phương Nam góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù mà chỉ khi đến với vùng đất miền Tây mới có thể trải nghiệm được.
Trong những năm qua, du lịch vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác quảng bá, kết nối được với các trung tâm du lịch ngoài vùng như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh phía bắc… phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương ở đây đã ngày càng trở thành điểm đến thú vị, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Để Du lịch "vùng đất Chín rồng" cất cánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho rằng, các tỉnh vùng ĐBSCL cần phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn để cung cấp đến khách du lịch những địa chỉ các dịch vụ du lịch có uy tín và chất lượng, các cơ sở dịch vụ du lịch phải được công nhận là điểm Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn… Các cơ sở khi được cấp biển hiệu của chương trình sẽ được các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trong công tác quảng bá, giới thiệu trong các sự kiện của ngành trong và ngoài nước.
Đồng thời, cần sử dụng các phương tiện truyền thông, bao gồm trang web, mạng xã hội, video marketing, và truyền hình để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và trải nghiệm ẩm thực của vùng ĐBSCL. Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp địa phương, hãng hàng không, và tổ chức du lịch để xây dựng gói ưu đãi và khuyến mãi, giúp thu hút du khách và gia tăng sự quan tâm từ các đối tác quốc tế…
Ông Huỳnh Văn Đà, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, việc phát triển du lịch ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên vùng ĐBSCL hiện nay dựa trên thế mạnh tài nguyên rừng phong phú với tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đa dạng. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở ĐBSCL có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch bởi các yếu tố như hệ thống động thực vật, khí hậu, địa hình, biển, sông, di tích lịch sử, lối sống... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở đây còn hạn chế và nhiều thách thức.
Vì vậy, cần có những chính sách phát triển du lịch bên cạnh công tác bảo tồn tài nguyên để thu hút du khách đến tham quan và quay trở lại. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn tham quan của du khách là cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, thời tiết tốt, an ninh, an toàn, người dân địa phương thân thiện và mến khách... Theo các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch ở vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, giá cả dịch vụ, sức hấp dẫn và vệ sinh môi trường...
Văn DươngCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.