Nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất

Chính sách
09:59 AM 10/05/2023

Đến cuối tháng 3/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 51.000 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là một trong các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thời gian qua, NHNN và các NHTM đã tích cực triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương (thông qua các hội nghị, văn bản chỉ đạo, giải đáp, hướng dẫn, thông tin, truyền thông... liên tục từ khi chính sách được ban hành tới nay).

Đến cuối tháng 3/2023, doanh số HTLS đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt gần 51.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 327 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng. Mặc dù kết quả HTLS từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng song, hiện nay, các TCTD vẫn đang dành nguồn lực từ chính TCTD để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhiều khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất  - Ảnh 1.

Chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Đầu tiên là việc khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận HTLS, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ HTLS 2% và chi phí bỏ ra khi nhận HTLS (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). 

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền HTLS thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền HTLS đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận HTLS, song hiện đã chủ động hoàn trả NHTM toàn bộ số tiền lãi đã được HTLS.

Tiếp theo là về cơ chế chính sách, NHTM và khách hàng khó khăn trong đánh giá liên quan đến quy định "có khả năng phục hồi" tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP. 

Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ NHTM và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không khẳng định "có khả năng phục hồi" (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: Doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì các đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế. 

Nhiều khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất  - Ảnh 2.

Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các NHTM và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí "phục hồi".

Thứ ba là nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Thứ tư, khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận HTLS do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM.

Một số khó khăn khác phải kể đến như: Khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được HTLS; một số khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được HTLS nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét HTLS theo quy định...

Căn cứ thực tế triển khai, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đánh giá khả năng giải ngân HTLS, các NHTM đã dự kiến số tiền HTLS lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.

Các khó khăn, vướng mắc trên đã được các bộ, ngành, địa phương và NHTM nhận diện từ quá trình triển khai và khảo sát thực tế. NHNN đã kịp thời tổng hợp, đánh giá, đề xuất kiến nghị và có nhiều Tờ trình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện NHNN đang hoàn thiện lại Tờ trình báo cáo đánh giá thực hiện chính sách và dừng việc tiếp tục sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; đồng thời, đã cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách tới cuối chương trình và các văn bản báo cáo kết quả, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách HTLS để Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội) tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Về phía NHNN và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai HTLS để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách; dành nguồn lực của chính NHTM để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, góp phần tiết giảm chi phí, đồng hành cùng doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.