Nhiều khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thanh Hóa

Địa phương
02:09 PM 19/12/2023

Khép lại năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có mức tăng trưởng ấn tượng, toàn diện, đạt 4,16%. Với những thành tựu đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu, tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế của địa phương.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với các thành tựu nổi bật, đặc biệt là trong công tác xây dựng NTM. Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh có 445 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 388 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao của 331 chủ thể OCOP (72 doanh nghiệp, 100 HTX, 9 tổ hợp tác, 150 hộ sản xuất, kinh doanh), trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố. 

Điều đáng mừng là các sản phẩm sau khi được công nhận, xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng khoảng 15-20%... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020.

Nhiều khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thanh Hóa- Ảnh 1.

Trang trại bò sữa ở Thanh Hóa với quy mô lớn

Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 10.920 lao động, toàn tỉnh tổ chức truyển sinh đào tạo nghề được cho 70.000 người. 

Hiện nay, Thanh Hóa có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các tập đoàn chăn nuôi lớn. Không chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp mà còn được nhân rộng và phát triển ở các HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất.

Nhiều khởi sắc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thanh Hóa- Ảnh 2.

Trang trại nuôi gà của hộ gia đình ông Lê Huy Khuông ở thị trấn Bút Sơn huyện Hoằng Hoá

Đây là kết quả của sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đã góp phần giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa các giống cây con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.

Các sản phẩm nông sản Thanh Hóa ngày càng khẳng định được giá trị, tham gia sâu vào thị trường trong nước và quốc tế. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu phát huy hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế. Đáng chú ý, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 15,466 ha, chuyển đổi 5.304 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. 

Mục tiêu lũy kế đến hết năm 2023, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt trên 49.000 ha, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.

Hiện toàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: vùng lúa, ngô thâm canh; vùng mía, sắn nguyên liệu; vùng cây ăn quả tập trung; vùng cây thức ăn chăn nuôi; vùng nuôi trồng thủy sản…Đây là điều kiện quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay, Thanh Hóa đã phát triển được hơn 1.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở các địa phương, mở rộng diện tích liên kết sản xuất, chế biến. Đây thực sự là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn