Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á bị đẩy đến bờ vực, buộc phải thay đổi mô hình chống dịch vì chi phí phong tỏa quá lớn
Với ngân sách đã bị kéo căng sau nhiều đợt bơm tiền kích thích kinh tế và "đạn dược" chính sách tiền tệ không còn nhiều, kéo dài các lệnh phong tỏa ngày càng trở thành lựa chọn không khả thi.
Mặc dù đang là khu vực có một trong những ổ dịch Covid-19 tồi tệ nhất thế giới trong thời gian này, nhiều quốc gia trên khắp Đông Nam Á đang dần nhận ra họ không thể chịu đựng thêm những tổn thất kinh tế mà các biện pháp chống dịch gây ra, dù đó là những biện pháp rất cần thiết để chống lại dịch bệnh.
Trong những nhà máy ở Malaysia, trong những tiệm cắt tóc ở Manila hay trong những tòa tháp văn phòng ở Singapore, khắp nơi đều đang suy tính kỹ về phương pháp mở cửa trở lại, tìm kiếm cách thức tối ưu nhất để cân bằng giữa việc kiểm soát virus và đảm bảo sinh kế của người dân. Nhiều thử nghiệm đang được tiến hành, từ quân đội đi giao thực phẩm, phong tỏa trong phạm vi siêu nhỏ thay vì phong tỏa diện rộng cho đến các cửa hàng và văn phòng chỉ mở cửa cho những người đã tiêm vaccine.
Ở châu Âu và Mỹ, nhiều nước đã phải điều chỉnh lại những kế hoạch tái mở cửa đầy táo bạo. Còn đối với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm vaccine thấp khiến đây là một trong những khu vực bị biến chủng Delta càn quét dữ dội nhất. Tuy nhiên với ngân sách đã bị kéo căng sau nhiều đợt bơm tiền kích thích kinh tế và "đạn dược" chính sách tiền tệ không còn nhiều, kéo dài các lệnh phong tỏa ngày càng trở thành lựa chọn không khả thi.
"Đó là bài toán thực sự khó, cân bằng giữa mạng sống và sinh kế", Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ nhận định. Ông lấy dẫn chứng kể cả Singapore cũng đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm tăng vọt bất chấp là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới. Nguy cơ quá trình tái mở cửa sẽ diễn ra rất gập ghềnh ở Đông Nam Á là rất cao, Tan nói.
Các nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota phải cắt giảm sản lượng rất sâu trong khi nhà bán lẻ quần áo Abercrombie&Fitch cảnh báo tình trạng đang "ở ngoài tầm kiểm soát".
Tỷ lệ tử vong tại nhiều nước châu Á hiện đang cao hơn mức trung bình toàn cầu, khiến nhiều nước nằm ở áp chót của bảng xếp hạng về mức độ chống chọi với đại dịch (Covid Resilience Ranking) của Bloomberg. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước đang ngày càng lo ngại nếu kéo dài các biện pháp giãn cách quá lâu thì thiệt hại kinh tế sẽ lớn đến đâu. Malaysia đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng GDP năm 2021, xuống còn 3-4%, vì số ca nhiễm hàng ngày lập kỷ lục. Niềm hi vọng kinh tế hồi phục mạnh mẽ nhờ ngành du lịch của Thái Lan đã nhanh chóng biến mất.
Theo Wellian Wiranto, chuyên kinh tế của Oversea-Chinese Banking Corp, các quốc gia Đông Nam Á một mặt phải chịu đựng những thiệt hại kinh tế từ các đợt phong tỏa (dù chúng đã giúp chặn dịch bệnh thành công), mặt khác phải đối mặt với việc người dân gần như đã kiệt sức vì cuộc khủng hoảng kéo dài.
Do đó, ở Đông Nam Á, xu hướng coi Covid-19 là "endemic" (tạm dịch: bệnh đặc hữu, mang tính địa phương) đang ngày càng rõ ràng hơn. Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã chuyển sang học tập chiến lược "sống chung với virus" của Singapore.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang tập trung vào cuộc chiến dài hơn. Các bộ trưởng nỗ lực củng cố những quy định như bắt buộc đeo khẩu trang hơn là các biện pháp hạn chế di chuyển. Họ cũng nhanh chóng triển khai lộ trình tái mở cửa cho những khu vực đặc biệt như trường học và văn phòng với những quy định dự tính sẽ là vĩnh viễn để thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Cập nhật số ca nhiễm mỗi ngày giờ không quan trọng bằng số ca bệnh nặng và tử vong. Điều này đặc biệt đúng với 2 nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất trong khu vực là Singapore (trên 80% dân số, cũng là cao nhất thế giới) và Malaysia (với khoảng hơn một nửa dân số đã được tiêm 2 mũi). Philippines đang tìm cách thu hẹp phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế (từng khu phố, thậm chí từng nhà).
Chỉ những người có thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine mới có thể vào các trung tâm thương mại và nơi thờ cúng ở Jakarta hay vào rạp chiếu phim ở Malaysia. Các nhà hàng ở Singapore yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm vaccine của thực khách. Manila đang xem xét triển khai "bong bóng vaccine" trên các phương tiện giao thông công cộng và công sở.
Tham khảo Bloomberg
Thu HươngTrước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.