Nhiều ngân hàng chuẩn bị niêm yết cổ phiếu, nâng vốn điều lệ
Nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang tăng tốc kế hoạch niêm yết cổ phiếu và nâng vốn điều lệ, mở ra bước chuyển mạnh mẽ về thanh khoản và năng lực tài chính.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang dần phục hồi và kỳ vọng được thúc đẩy bởi các cải cách hệ thống giao dịch như KRX, làn sóng niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều nhà băng không chỉ đẩy mạnh kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HoSE hoặc HNX để gia tăng tính thanh khoản, mà còn song hành với chiến lược tăng vốn điều lệ nhằm củng cố năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động.
Cụ thể, Kienlongbank, VietABank, BVBank hay Saigonbank là những cái tên mới nhất thông báo kế hoạch trình cổ đông việc chuyển sàn.
Theo đó, Kienlongbank dự kiến trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu KLB tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, tổ chức ngày 25/4.
Theo HĐQT Kienlongbank, việc niêm yết cổ phiếu KLB là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, thể hiện ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh.
HĐQT VietABank cũng cho biết, tại kỳ họp ĐHĐCĐ vào ngày 26/4 sẽ trình cổ đông phương án niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành lên sàn chứng khoán. Theo đó, VietABank trình thông qua việc niêm yết cổ phiếu VAB trên sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi; giao HĐQT quyết định lựa chọn niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX, thời gian cụ thể, giá niêm yết và thủ tục niêm yết.
Tương tự, BVBank trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu BVB trên HoSE trong năm nay.
Saigonbank cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE/HNX. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và Ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn.
Theo nhận định của các chuyên gia, niêm yết cổ phiếu không chỉ giúp tăng tính thanh khoản, mà còn mở ra cơ hội huy động vốn hiệu quả hơn trên thị trường vốn, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư đang kỳ vọng vào làn sóng nâng hạng thị trường và sự cải tổ mạnh mẽ trong khung pháp lý, công nghệ và quản trị.
Không chỉ dừng ở việc lên sàn, các nhà băng này còn mạnh tay triển khai loạt phương án tăng vốn điều lệ.
Trong khi đó, tại ABBank, dù chưa có kế hoạch niêm yết năm nay, nhưng trước đó, ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch ABBank cũng đã đề cập đến vấn đề này và cho biết, đánh giá chung về điều kiện thị trường chưa thuận lợi để niêm yết cổ phiếu ABB trên sàn HOSE.
Trong lộ trình 5 năm, ABBank đã đặt mục tiêu vốn hoá 3 tỷ USD. Kết quả này không chỉ là tăng trưởng hữu cơ của ABBank sẽ cần những cú hích như M&A hay gọi vốn. Để đạt mục tiêu này sẽ cần phối hợp niêm yết, cổ đông mới tham gia. Ngân hàng sẽ trao đổi lại với McKinsey để cùng ABBank triển khai lộ trình niêm yết này.
Điển hình, VietBank đặt mục tiêu tăng vốn thêm 3.780 tỷ đồng qua hai đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15%), giúp vốn điều lệ nâng lên 8.210 tỷ đồng. Đợt 2 dự kiến phát hành gần 271 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 33%) để tiếp tục nâng vốn điều lệ lên xấp xỉ 10.920 tỷ đồng.
VietABank đặt tham vọng tăng gần gấp đôi vốn điều lệ từ 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng qua ba cấu phần: phát hành 285 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 52,8%), phát hành ESOP 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,7%) và chào bán hơn 313 triệu cổ phiếu ra công chúng (tỷ lệ 58%). Nếu hoàn tất cả ba đợt, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng hơn 6.100 tỷ đồng.
BVBank dự kiến tăng vốn từ 6.408 tỷ đồng lên 7.676 tỷ đồng thông qua hai đợt: phát hành hơn 106,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 6:1), và phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu ESOP với giá 11.000 đồng/cổ phiếu dành cho cán bộ nhân viên.
Theo giới phân tích, việc tăng vốn không chỉ giúp các ngân hàng nâng hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng các chuẩn mực Basel II, mà còn là điều kiện sống còn để mở rộng tín dụng, tăng khả năng cạnh tranh và chống chọi trước làn sóng chuyển đổi số và M&A ngày càng mạnh mẽ trong ngành ngân hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng vốn và cải thiện năng lực tài chính là điều bắt buộc với các ngân hàng nhỏ. Nếu chậm trễ, các ngân hàng này sẽ khó có chỗ đứng khi cuộc chơi ngân hàng ngày càng khốc liệt và đòi hỏi nhiều về công nghệ, quản trị cũng như tiềm lực vốn.
Có thể nói, làn sóng ngân hàng nhỏ rục rịch lên sàn HOSE hoặc HNX và tăng vốn điều lệ đang tạo nên cú hích mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
An Mai (t/h)
Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.