Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 con số
Trong báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng được đánh giá khá tích cực, thậm chí một số nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng cao kỷ lục, lập đỉnh mới về lợi nhuận.
Đến cuối tháng 4/2025, phần lớn ngân hàng thương mại đã hoàn tất Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Một số đơn vị hướng tới tăng trưởng 20-30%, với kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đa dạng hóa nguồn thu và đẩy mạnh số hóa để kiểm soát chi phí.

Ảnh minh họa
Saigonbank vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với mức thực hiện năm 2024.
Vietbank mới đây công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với mức đạt được của năm 2024 (1.131 tỷ đồng).
Nam A Bank đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2024.
ACB đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái.
Lãnh đạo VPBank cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng lợi nhuận là 20 - 25%. Ước tính từ con số lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 là 20.013 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận năm nay của VPBank trong khoảng 24.000-25.000 tỷ đồng.
Bac A Bank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11%; đồng thời, triển khai kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ thêm gần 38% cao nhất trong lịch sử, nâng vốn điều lệ lên trên 12.350 tỷ đồng, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm trước.
Còn PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 716 tỷ đồng. Năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 421 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận mà PGBank hướng tới trong năm 2025 lên tới 70%.
Thậm chí, ABBank tham vọng lợi nhuận trước thuế năm 2025 tăng 131% trong năm 2025, đạt 1.800 tỷ đồng. Hiện tại, đây là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khối ngân hàng.
Nhiều nhà băng khác cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2025 thấp hơn như OCB dự kiến tăng 33%, VIB tăng 22%, LPBank tăng 22,2%, Eximbank tăng 23,8%, HDBank tăng 27% so với thực hiện năm 2024...
Trong khi đó, ở một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần lớn, con số lợi nhuận được đặt ra khá khiêm tốn và cẩn trọng.
Năm 2025, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Năm 2024, Vietcombank đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục hơn 42.200 tỷ đồng. Với mục tiêu trên, lợi nhuận ngân hàng này dự kiến đạt trên 44.000 tỷ đồng năm 2025.
BIDV đặt mục tiêu năm 2025 lợi nhuận trước thuế tăng từ 6-10%. Năm 2024, lợi nhuận hợp nhất của BIDV ở mức gần 31.400 tỷ đồng, tăng 17,5%. Như vậy, ngân hàng này dự kiến đạt mức lợi nhuận khoảng 33.000-35.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Techcombank đặt mục tiêu trong năm 2025 tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước.
Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, mức tăng trưởng lợi nhuận cao được thúc đẩy bởi: sự cải thiện nhẹ của NIM, chất lượng tài sản nằm trong tầm kiểm soát với sự hỗ trợ từ các quy định tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn và tăng trưởng tín dụng tiếp tục được thúc đẩy, với sự gia tăng ảnh hưởng của tín dụng bán lẻ trên đà phục hồi của thị trườngbất động sản.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, lợi nhuận trung bình của các ngân hàng trong năm 2025 có thể tăng trưởng 15 - 16% khi nền kinh tế khởi sắc, kéo theo nhu cầu tín dụng và dịch vụ tài chính gia tăng.
Theo ông Hoàng, có 4 yếu tố chính tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2025, bao gồm: tín dụng, chất lượng tài sản, thu nhập ngoài lãi và tối ưu hóa chi phí. Trong đó, tín dụng kỳ vọng sẽ có nhịp tăng trưởng tốt với sự hỗ trợ đến từ mặt bằng lãi suất thấp và nền kinh tế có những diễn biến thuận lợi hơn. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với trung bình ngành nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong năm nay.
Ngoài ra, những ngân hàng có lợi thế về CASA và linh động trong hoạt động huy động vốn, có nhiều dư địa để gia tăng nguồn huy động vốn ngắn hạn sẽ có nhiều tiềm năng tối ưu hóa được chi phí vốn, qua đó cải thiện được lợi nhuận. Những ngân hàng có chiến lược quản trị rủi ro hợp lý, có chất lượng tài sản tốt cùng với bộ đệm dự phòng vững chắc cũng sẽ sở hữu lợi thế cạnh tranh cao khi không có gánh nặng trích lập dự phòng.
Nhiều ngân hàng cho biết đã và đang cơ cấu lại danh mục tín dụng, đẩy mạnh số hóa, tinh gọn bộ máy để tăng hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí. Đồng thời, các giải pháp tăng thu ngoài lãi, như dịch vụ, bancassurance, ngoại hối, cũng được đẩy mạnh để giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, các ngân hàng sẽ triển khai các chương trình tinh gọn quy trình nội bộ, tăng cường kiểm soát rủi ro và lựa chọn phân khúc tăng trưởng phù hợp. Một số ngân hàng nhấn mạnh định hướng tập trung vào khách hàng an toàn, kiểm soát chất lượng tín dụng và nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất và áp lực từ chính sách thuế quan vẫn đang hiện hữu.
An Mai (t/h)
Từ ngày 1/5, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục không thay đổi, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp giữ mức giá ổn định.