Nhiều ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do bão Yagi
Trước những thiệt hại của khách hàng, doanh nghiệp do bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm hoặc ưu đãi lãi suất cho vay.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thống kê từ 20 địa phương, số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.
Sau yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Còn đối với BIDV, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng có chia sẻ, trong thời gian qua đã liên tục cập nhật thông tin từ chi nhánh ở hai địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng.
Ngân hàng coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.
Tại "ông lớn" Agribank - nhà băng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, Phó tổng giám đốc cho biết khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Con số này có thể tăng vì còn nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc... ngân hàng chưa thống kê hết. Agribank dự kiến sẽ giảm 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại.
Về phía các ngân hàng tư nhân, họ cũng đưa ra các chính sách giảm lãi vay 0,5-2% một năm cho cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc.
Ngân hàng đầu tiên quyết định giảm lãi suất (LS) cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 là VPBank với mức giảm từ 0,5 - 1% cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, LS cho vay trung - dài hạn giảm 1%/năm và ngắn hạn giảm 0,5%/năm đối với khách hàng cá nhân triển khai từ ngày 13/9 đến hết 31/12/2024. Bên cạnh giảm LS cho vay, VPBank cũng điều chỉnh mức ưu đãi LS từ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại NH khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà.
Tương tự, MSB thông báo giảm 1% LS vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi ở các tỉnh thành phía bắc và giữ cố định mức LS giảm này đến muộn nhất ngày 31/1/2025.
BVBank cũng gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng hiện hữu thiệt hại do bão lũ. Đồng thời, tùy vào mức độ thiệt hại do bão lũ, ngân hàng giảm lãi vay đến 2% một năm, tối đa 3 tháng cho các khách hàng đang vay vốn tại nhà băng. Với khách vay mới, nhà băng này áp dụng mức giảm 0,5%, tối đa 3 tháng so với lãi vay thông thường.
Với mức giảm 0,5-2% lãi vay một năm từ phía các nhà băng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi có nguồn lực phục hồi sản xuất, làm ăn, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay giảm 0,15% so với kịch bản trước đó.
Huyền My (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.