Nhiều ngân hàng phải 'treo cổ tức' vì còn nợ 'vương vấn' tại VAMC

Đầu tư và Tiếp thị
01:45 PM 02/12/2020

Hiện tại, đã có 19 ngân hàng tất toàn toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)V. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ngân hàng đang phải "đau đầu" về nợ xấu, bởi sẽ không được chia cổ tức nếu còn nợ xấu bán cho VAMC.

Nhiều ngân hàng phải 'treo cổ tức' vì còn nợ 'vương vấn' tại VAMC

19 ngân hàng "cán đích" xử lý nợ xấu tại VAMC

Theo lộ trình đến hết năm 2019, các ngân hàng phải tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ngân hàng chưa tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn sau khi thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập.

Về vấn đề trên, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, cho phép các ngân hàng gia hạn thời hạn tất toán trái phiếu đặc biệt của VAMC tối đa lên đến 10 năm.

Tuy nhiên, Thông tư 08 chỉ áp dụng cho các ngân hàng đang tái cấu trúc theo đề án đã được phê duyệt; hoặc gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được.

Theo VAMC, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đến tháng 8/2020 tại VAMC đạt 329.007 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng.

Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỷ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng phải 'treo cổ tức' vì còn nợ 'vương vấn' tại VAMC - Ảnh 1.

Đến hết tháng 11/2020, 19 ngân hàng hoàn thành tất toán nợ xấu tại VAMC

Mới đây, VietinBank (CTG) vừa thông báo đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đã bán và trở thành thành viên thứ 19 trong hệ thống các ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC.

Trước VietinBank đã có 18 ngân hàng khác là: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, KienLongBank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank "sạch" nợ tại VAMC.

Trong đó, VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapital Bank, VietBank "sạch" nợ xấu tại VAMC trong năm nay. Nhiều ngân hàng vẫn còn nợ 'vương vấn' tại VAMC

Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng chưa xóa sạch nợ xấu tại VAMC. Theo số liệu báo cáo tài chính được công bố trong quý 3/2020, Sacombank, SCB, SHB, PG Bank, Saigonbank, Eximbank, ABBank, NCB, VietABank… là những ngân hàng đang còn nợ xấu tại VAMC.

Năm 2020 là kỳ hạn cuối để ngân hàng tất toán những khoản nợ xấu tại VAMC. Do đó, trong năm 2020, ABBank, Sacombank, Eximbank… cũng đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu của VAMC. Tuy nhiên, năm tài chính 2020 sắp khép lại nhưng chỉ mới 19 ngân hàng thông báo xóa nợ tại VAMC. Vậy còn những ngân hàng khác sẽ như nào?

Nỗ lực "thanh toán" nợ xấu

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tại thời điểm 30/9/2020, Eximbank vẫn còn hơn 2.775 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, giảm 37% so với cuối năm 2019. Eximbank đã trích lập 918 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu "gửi" tại VAMC.

Theo ban lãnh đạo cấp cao của Eximbank, do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc xử lý nợ xấu có phần chậm hơn, dù ngân hàng đã hết sức nỗ lực. Vì thế, khả năng tiến độ tất toán trái phiếu VAMC của Eximbank khó hoàn thiện đúng lộ trình đưa ra.

Nhiều ngân hàng phải 'treo cổ tức' vì còn nợ 'vương vấn' tại VAMC - Ảnh 2.

BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại Eximbank

Tại Sacombank, Tổng giám đốc Nguyễn Ðức Thạch Diễm cho biết, hiện Sacombank còn nắm hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu để hoàn nhập dự phòng.

"Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. 5 tháng đầu năm, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng nợ và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng, nên khả năng từ nay đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra", bà Diễm nói.

Trong 9 tháng năm 2020, ước tính giá trị trái phiếu VAMC đã giảm hơn 2.600 tỷ đồng trong khi Sacombank tiếp tục tăng dự phòng rủi ro. 

Nợ xấu của PG Bank tại VAMC tính đến thời điểm 30/9/2020 vẫn còn 913 tỷ đồng. PG Bank đã trích lập 601 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu "gửi" tại VAMC. Năm 2020 là kỳ hạn cuối để ngân hàng tất toán những khoản nợ xấu này. Hiện chưa rõ kế hoạch của PG Bank để có thể dọn sạch 913 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong tháng cuối năm. 

Còn tại ABBank, cuối tháng 6/2020, giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC mà ngân hàng đang nắm giữ là trên 1.600 tỷ, tăng hơn 600 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, tính đến 30/9/2020, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng 24% lên 1.632 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77%.

Tại SCB, ngân hàng không đẩy thêm nợ xấu tại VAMC trong 9 tháng năm 2020, trong khi đó tăng trích lập dự phòng từ 6.900 tỷ đồng lên hơn 8.300 tỷ đồng. 

Nợ xấu tại VAMC là những khoản nợ được đánh giá là "khó nhằn" của mỗi ngân hàng, được bán sang cho VAMC nhằm hai mục đích. Thứ nhất là giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, thứ hai xử lý nợ thông qua VAMC. 

Trường hợp một số ngân hàng không đủ khả năng làm sạch nợ tại VAMC trong thời gian sớm nhất, ngân hàng sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng sẽ sụt giảm hàng năm. Áp lực trích lập này là không hề nhỏ đối với những ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ không được chia cổ tức cho cổ đông nếu còn nợ xấu bán cho VAMC. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng muốn mua lại nợ xấu tại VAMC về để tự xử lý. 

Chang Chang
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.