Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng. Có ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm đến lần thứ ba kể từ đầu tháng 6 tới nay.
Theo thống kê từ đầu tháng 6 đến nay đã có 22 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB....
Trong đó, có 3 ngân hàng thậm chí đã 3 lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng đó là Eximbank, LPBank và ACB.
Cụ thể, Eximbank vừa tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng lên 4,5%/năm, tăng 0,2%/năm. Trước đó, nhà băng này đã có 2 lần tăng lãi suất vào các ngày 7 và 14/6. Lãi suất tiết kiệm đang được áp dụng tại ngân hàng này dao động từ 3,5 - 5,2%/năm.
Hai ngân hàng tư nhân khác là LPBank và ACB cũng đã có 3 lần tăng lãi suất huy động trong tháng 6. Theo đó, LPBank tăng 0,2-0,3 điểm % lãi suất tại kỳ hạn 1-11 tháng khi khách gửi tiền online. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được nâng lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2-4 tháng lên 3,5%/năm; kỳ hạn 5 tháng nhận lãi 3,6%/năm; kỳ hạn 6-10 tháng hưởng lãi 4,7-4,8%/năm; và kỳ hạn 11 tháng hưởng lãi 4,9%/năm.
Tại ACB, khi gửi online kỳ hạn 1-3 tháng, các khoản tiền gửi giá trị dưới 200 triệu của khách hàng được tăng lãi suất thêm 0,2-0,3 điểm %, hiện neo tại vùng 2,8-3,1%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng mạnh 0,4 điểm % lên 3,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng được ACB tăng 0,2 điểm %, lần lượt đạt 4%/năm và 4,7%/năm.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao cho kỳ hạn 12 tháng từ 5,5-5,7%/năm bao gồm: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)...
Đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất cao nhất từ 5,05-5,45%/năm được niêm yết tại NCB, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)...
Ngoài ra, một số ngân hàng mới đây đã ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 có mệnh giá từ 10 triệu đồng, lãi suất cố định tới 8%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm 5,5%/năm mà ngân hàng này đang niêm yết.
Hay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI có mệnh giá tối thiểu 1 tỷ đồng dù không niêm yết lãi suất cụ thể nhưng theo bảng minh họa, người mua sẽ có lãi từ 3-3,2% sau từ 1-3 tháng, trong khi lãi suất tiết kiệm từ 1-3 tháng tối đa tại VietinBank chỉ 2%/năm.
Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi từ dân cư vào các tổ chức tín dụng tăng mạnh lên gần 6,7 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2024, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.
Điều đáng nói, thời điểm tháng 3/2024 cũng là lúc mặt bằng lãi suất huy động gần như ở mức thấp nhất tại hầu hết các kỳ hạn. Bất chấp điều đó, tiền gửi vẫn tăng mạnh. Theo giới chuyên gia, dòng tiền vẫn tìm về ngân hàng dù lãi suất thấp có nguyên nhân chính là do các kênh đầu tư khác có nhiều biến động khó lường, kém ổn định và triển vọng sinh lời thấp.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.