Nhiều ngân hàng tư nhân cán mốc hơn 10 triệu khách hàng

Ngân hàng
08:31 AM 18/12/2024

Mạng lưới khách hàng của các nhà băng đã được mở rộng rất nhanh trong những năm qua. Nhờ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng tư nhân đã đạt hơn 10 triệu khách hàng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc đua mở rộng thị phần ngoài nhóm Big 4.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đã đạt 87,08%. Tại nhiều ngân hàng, mức tăng trưởng khách hàng mới trong vài năm gần đây có thể bằng cả thập kỷ trước cộng lại.

Nhiều ngân hàng tư nhân cán mốc hơn 10 triệu khách hàng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hiện tại, không chỉ nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) chiếm ưu thế về lượng khách hàng lớn nhất, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã vượt mốc 10 triệu khách hàng.

Điển hình, tại Ngân hàng MB, năm 2024, MB đặt mục tiêu thu hút thêm 3,5 triệu khách hàng để hướng tới cột mốc 30 triệu khách hàng. Tuy nhiên, mới đến hết tháng 9/2024, nhà băng này đã phục vụ 30 triệu khách hàng.

Trong khi đó, TPBank cũng đã vượt mốc 10 triệu khách hàng cách đây 2 năm. Hiện, quy mô khách hàng của nhà băng này đã lên tới gần 14 triệu khách hàng. 

Hay như tại HDBank, khách hàng cá nhân vào cuối tháng 9/2024 là 5,8 triệu người, tăng 1,6 triệu người so với cuối năm 2023, tương đương tăng 38%. Số lượng khách hàng doanh nghiệp hiện tại của HDBank là 61.600 doanh nghiệp.

Còn tại Techcombank, đến hết tháng 9/2024, ngân hàng có 14,8 triệu khách hàng, tăng gần 500 nghìn khách hàng mới trong quý III/2024. So với cuối năm 2023, quy mô khách hàng của Techcombank đã tăng thêm 1,4 triệu.

VPBank cũng là ngân hàng tư nhân có quy mô khách hàng “khủng”. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO thu hút hơn 10 triệu khách hàng đăng ký, với 2,5 triệu lượt đăng nhập trung bình hàng ngày. Tổng lượt khách hàng kích hoạt mới trong nửa đầu năm nay là 1,3 triệu, trong đó có 95% khách hàng sử dụng định danh trực tuyến eKYC để mở tài khoản.

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh ứng dụng ngân hàng số cùng với tích hợp nhiều tiện ích giúp các nhà băng nâng quy mô khách hàng nhanh chóng. 

Như MB Bank đã phát triển mô hình ứng dụng siêu tích hợp, mang đến cho khách hàng trải nghiệm toàn diện từ mua sắm trực tuyến, di chuyển, đặt vé máy bay, đặt khách sạn đến giao hàng. 

Trong khi đó, Techcombank thực hiện chiến lược phát triển mô hình dịch vụ khách hàng cao cấp nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho lớp khách hàng có thu nhập cao. Tiếp đến, các sản phẩm chuyên biệt này sẽ tiếp cận và mở rộng đến phân khúc thấp hơn với các khách hàng có thu nhập khá. Mỗi nhóm khách hàng sẽ được đánh giá một cách chuyên sâu nhằm mục tiêu thiết kế các bộ giải pháp tài chính chuyên biệt. Tất cả được phát triển trên một nền tảng chuyên sâu về công nghệ dữ liệu.

Sự phát triển của công nghệ và thay đổi thói quen người dùng đang giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận khách hàng mới thông qua các giải pháp như định danh trực tuyến (eKYC). Tuy nhiên, việc thu hút số lượng lớn khách hàng chỉ là bước khởi đầu.

Trong cuộc cạnh tranh giành thị phần khốc liệt, thách thức lớn hơn là giữ chân khách hàng và tăng cường sử dụng dịch vụ. Để làm được điều đó, các ngân hàng đã và đang tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm và xây dựng mối quan hệ bền vững. Đây là một bước tiến quan trọng giúp ngành ngân hàng phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025 Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025

Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.