Nhiều nhà băng tham gia cuộc đua 'ngân hàng thuần số'
Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các ngân hàng thuần số trên khắp khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực này và làn sóng phát triển của ngân hàng thuần số đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự ra đời và phát triển của các ngân hàng kiểu mới (Neobank) được cho là tiền đề để phát triển hệ thống ngân hàng thuần Internet, hay còn gọi là ngân hàng thuần số. Ngân hàng thuần số là một ngân hàng được thành lập và hoạt động độc lập, tức là thực thể ngân hàng được cấp giấy phép thành lập và được Nhà nước quản lý, giám sát như một loại hình ngân hàng độc lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thông thường, đứng sau các ngân hàng thuần số là sự bắt tay giữa ngân hàng truyền thống và một công ty cung cấp giải pháp công nghệ tài chính (Fintech).
Thống kê của Công ty tư vấn tài chính toàn cầu Oliver Wyman cho thấy, tính tới năm 2024, đã có khoảng 235 ngân hàng số được cấp phép trên toàn cầu (từ châu Âu, châu Á tới Bắc Mỹ, Nam Mỹ), tăng 5 lần so với 10 năm trước.
Châu Âu là khu vực mà ngân hàng số xuất hiện khá sớm và tới năm 2024 có 70 ngân hàng số. Ở châu Á, ngân hàng số xuất hiện muộn hơn, nhưng đã tăng tốc vào những năm 2010 do quy mô dân số lớn, tỷ lệ người dùng Internet cao, nhu cầu lớn về tài chính toàn diện. Sự phát triển ngân hàng số ở châu Phi chậm hơn các thị trường khác do hạn chế về hạ tầng và môi trường tài chính, dù quy mô dân số cao và nhu cầu tài chính toàn diện lớn.
Tại Việt Nam, xu hướng phát triển ngân hàng thuần số không dừng lại ở đôi ba cái tên, nhóm ngân hàng thuần số vừa chứng kiến sự “gia nhập” của hàng loạt ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Cụ thể, sau khi được chuyển giao về Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng (CB) chính thức đổi tên thành Ngân hàng Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).
Tương tự, OceanBank có tên mới là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV), định hướng trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững sau khi về với MB. DongA Bank cũng công bố về việc đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank) một tháng sau khi chuyển giao bắt buộc về HDBank.
Riêng GPBank, ngân hàng được chuyển giao cho VPBank, chưa rõ chiến lược của VPBank với GPBank ra sao, nhưng từ năm 2016, Hội đồng quản trị VPBank đã định hướng xây dựng một hệ sinh thái số, trong đó có một ngân hàng thuần số - ngân hàng mà mọi giao dịch của khách hàng đều được thực hiện trên không gian Internet.
Để xây dựng một ngân hàng thuần số độc lập, đầu năm 2021, VPBank đã ra mắt Ngân hàng số Cake, hợp tác với Công ty TNHH BeFinancial (một thành viên của Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be). Sau 4 năm, Cake Bank đã phục vụ 5 triệu người dùng với hơn 9.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm từ khách hàng cá nhân. Hiện Cake cung cấp các sản phẩm: tiết kiệm, đầu tư, thanh toán, thẻ tín dụng và vay tiêu dùng. Cake định vị mình là “NextGen AI Bank” - ngân hàng thế hệ mới tiên phong ứng dụng AI toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trên thị trường, còn một số ngân hàng thuần số khác như: TNEX - ứng dụng ngân hàng số được bảo trợ bởi MSB, được ra mắt vào tháng 12/2020 và vẫn đang duy trì hoạt động đến thời điểm này; Liobank by OCB - ngân hàng số thế hệ mới được OCB ra mắt vào tháng 3/2023...
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, hướng tới ngân hàng thuần số sẽ tiếp tục được tăng tốc trong thời gian tới. Cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox.
Từ kinh nghiệm chuyển đổi số trong nhiều năm qua, Chủ tịch MB cho rằng, để chuyển đổi số ngân hàng phát huy hiệu quả cao hơn cần ban hành quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu ngân hàng, đảm bảo tiêu chuẩn an ninh mạng và quy trình quản lý rủi ro. Hệ thống pháp lý cũng phải yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao tính toàn vẹn và bảo mật. Các ngân hàng cần chịu trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra vi phạm bảo mật và có chế tài nghiêm khắc cho những trường hợp không tuân thủ.
Ngoài ra, các ngân hàng cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng, thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp và quy định về bảo vệ quyền riêng tư; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để đối phó với tội phạm công nghệ cao...
An Mai (t/h)
Đổi mới sáng tạo có thể đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế, môi trường và chất lượng cuộc sống.