Nhiều “ông lớn” địa ốc kỳ vọng sức bật mạnh hậu Covid-19 nhờ quỹ đất, sức khoẻ tài chính tốt

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh, song nhiều đơn vị BĐS vẫn xúc tiến những thương vụ lớn, có quỹ đất sẵn được mở rộng ra vùng ven, sức khoẻ tài chính tốt…vẫn được kì vọng sẽ bứt phá trong giai đoạn sau dịch.

Theo các chuyên gia trong ngành, xuyên suốt cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm 2020 đến nay, một thực tế là giá bất động sản vẫn đà tăng lên, đi cùng với đó là các cơn sốt diễn ra. Theo đó, nếu tháng 8 chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì dự báo cuối năm thị trường BĐS sẽ có thể có đợt sóng mới.

Thực tế thì ngay trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn âm thầm có những động thái chuẩn bị nguồn lực, quỹ đất để làm "bệ đỡ" cho sự tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, sức khỏe tài chính tốt cùng với mạng lưới bán hàng rộng được xem là nguồn vốn dự trữ quan trọng nhất để đạt được kết quả kinh doanh tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn phía trước.

Ghi nhận cho thấy, bất chấp "bóng ma" Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn kỳ vọng vào một năm 2021 với nhiều kết quả khả quan.

Chẳng hạn như Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland (Novaland - HoSE: NVL) đề ra kế hoạch doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng trưởng 447% so với thực hiện năm 2020. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế kế hoạch của Novaland chỉ là 4.100 tỷ đồng, tăng khoảng 5%.

Theo đơn vị này, doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản đến từ các dự án đang triển khai trong năm nay. Ngoài ra, trong năm 2021, Novaland dự kiến tiếp tục kinh doanh và phát triển nhiều dự án tại Tp.HCM như: Saigon Royal Residence (quận 4), The Grand Manhattan (quận 1), Golden Mansion (quận Phú Nhuận,),....

Tính tới quý 1/2021, Novaland ghi nhận quỹ đất hơn 5.400ha, tổng giá trị phát triển dự án ước đạt gần 45 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2023, công ty sẽ bổ sung thêm 10.000ha, qua đó nâng tổng số quỹ đất lên 15.000ha, tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Cùng với đó là kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản công nghiệp. Thực tế, Novaland đã tích lũy quỹ đất từ cách đây hơn một thập kỷ. Do đó, việc tên tuổi này nắm nhiều quỹ đất là điều dễ hiểu. Hiện tại, Tập đoàn đang tập trung phát triển các khu đô thị vệ tinh, tổ hợp bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Nhiều “ông lớn” địa ốc kỳ vọng sức bật mạnh hậu Covid-19 nhờ quỹ đất, sức khoẻ tài chính tốt - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng "sức bật" hậu Covid-19

Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (HoSE: AGG)đặt mục tiêu doanh thu 3.600 tỉ đồng trong năm 2021, trong đó sẽ phát triển loạt dự án BĐS tại khu ven Tp.HCM, chi khoảng 3.000 – 5.000 tỉ đồng để tìm kiếm quỹ đất làm dự án trong 3 năm tới.

Trong bối cảnh thị trường BĐS năm 2020 được dự báo tiếp tục khó khăn bởi nhiều yếu tố, An Gia vẫn quyết định niêm yết 75.000.000 cổ phiếu AGG lên HoSE vào ngày 9/1. Giá tham chiếu ngày đầu giao dịch là 25.000 đồng/cổ phiếu, ứng với mức vốn hóa khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt. Đơn vị này không ngừng tìm kiếm cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh.

Đáng chú ý, mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital bất ngờ mua hơn 8,1 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Sau giao dịch, nhóm quỹ Dragon Capital là cổ đông nước ngoài sở hữu lớn nhất tại AGG. Việc các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài như Dragon Captial trở thành cổ đông lớn của AGG là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với AGG.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu AGG duy trì tốt xu hướng tăng giá, hiện thị giá AGG là 55.400 đồng/cp. So với mức giá hồi đầu năm 2021 là 28.700 đồng, cổ phiếu AGG đã tăng 93%. Nhiều nhà đầu tư ví von cổ phiếu AGG là nơi "trú bão an toàn" những lúc thị trường có rung lắc mạnh, bởi diễn biến cổ phiếu AGG là xu hướng đi lên rất vững chắc và chỉ điều chỉnh nhẹ trong các nhịp chỉnh của thị trường.

Cùng với đó, điểm nghẽn "pháp lý" Tp.HCM được giải phóng và xu hướng chuyển dịch quỹ đất sang các thành phố vệ tinh sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng định giá của cổ phiếu AGG. Với lượng quỹ đất ngày càng được mở rộng, sức khỏe tài chính tốt đang tạo thuận lợi trong việc phát triển dự án mới của đơn vị này.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo CTCP Vinhomes (Vinhomes - HoSE: VHM), thị trường bất động sản dù chịu tác động chung của dịch bệnh nhưng do nhu cầu lớn và nguồn cung khan hiếm, nên khả năng hấp thụ vẫn đạt mức cao.

Bên cạnh đó, nhiều công ty địa ốc khác cũng nhận định thị trường sẽ ổn định hơn trong năm 2021 với một số lý do như: Tiếp tục tháo gỡ về mặt pháp lý, tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định trở lại khi có vaccine, mặt bằng lãi suất thấp, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại sau đại dịch.

Sau "mùa" Đại hội cổ đông (2021), dễ thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh và lợi nhuận sau thuế ấn tượng.

Hay, Vinhomesđã đặt kế hoạch doanh thu là 90.000 tỷ đồng trong năm, tăng 26% so với thực hiện năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), tức tăng 24%. Doanh nghiệp này kỳ vọng, các dự án đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và các dự án mới sẽ tiếp tục đóng góp lớn trong năm 2021 cả về doanh số, doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài ra, Vinhomes sẽ đẩy mạnh triển khai mô hình O2O và ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp trên cùng một nền tảng; đồng thời tiếp tục ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê các sản phẩm bất động sản.

Một cái tên khác phải kể đến là CTCP Đầu tư Nam Long (Nam Long - HoSE: NLG). Cụ thể, trong năm 2021, Nam Long đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.963 tỷ đồng, tăng 124% so với thực hiện năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng, tăng 61%.

Trong năm 2021, lãnh đạo Nam Long cho biết sẽ phát triển theo các định hướng cơ bản như: Tái cấu trúc công ty theo hình thức "đơn vị kinh doanh" (Business Unit), trong đó mỗi đơn vị kinh doanh là mỗi trung tâm lợi nhuận (profit center) vận hành và cam kết lợi nhuận tăng trưởng cho tập đoàn.

Cùng với đó, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hai mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở. Theo đó, công ty sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh của mảng cốt lõi bằng việc lập chỉ tiêu kinh doanh chiến lược 3/5/10 năm để có một kế hoạch tổng thể và tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn. Trong ngắn hạn 3 năm, công ty dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình là 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở hai mảng lõi này.

Nói về thị trường bất động sản nhà ở, Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định nguồn cung hạn chế trong quý 1/2021 trong khi lực cầu gần như không thay đổi khiến giá bất động sản tăng nhẹ tại Hà Nội và Tp.HCM. Tỷ lệ bán hàng vẫn ở mức cao trên 90%, cho thấy lực cầu vẫn ở mức cao. Mirae Asset dự báo nguồn cung căn hộ sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Từ trước đến nay, quý 1 luôn là mức thấp nhất trong một năm của các công ty bất động sản, ngược lại 6 tháng cuối năm (đặc biệt là quý 4) lại là điểm rơi doanh thu và lợi nhuận. So với cùng kỳ năm trước, các công ty bất động sản đạt được kết quả khả quan trong quý 1.

Theo các chuyên gia, dịch Covid sẽ tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn cho các công ty bất động sản trong năm nay. Tuy nhiên, các công ty lớn với mạng lưới bán hàng rộng và nguồn vốn dự trữ dồi dào sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với các công ty bất động sản khác. Về mặt tích cực, kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh sửa đổi luật đất đai và đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý. Hiện tại, thị trường BĐS chưa thấy có dấu hiệu bong bóng và kỳ vọng giá nhà tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2021, tương tự như tình hình ở các quốc gia khác trên thế giới, dưới tác động của lãi suất cho vay thấp kỷ lục và nguồn cung bị hạn chế.

Hạ Vy
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.