Nhiều 'ông lớn' ngành ô tô phải ngừng sản xuất do thiếu hụt linh kiện

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:10 PM 25/03/2021

Một số nhà sản xuất ô tô đã thông báo về việc tạm ngừng sản xuất xe do vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh kiện trầm trọng.

Tình trạng thiếu phụ tùng đang làm tê liệt ngành công nghiệp ô tô vốn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch. Một số hãng đã ngừng sản xuất vào năm ngoái và tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi thiếu hụt nguồn cung linh kiện.

Nhiều 'ông lớn' ngành ô tô phải ngừng sản xuất do thiếu hụt linh kiện - Ảnh 1.

Những chiếc ô tô ngày nay có thể sử dụng 100 bộ vi xử lý trở lên, khiến ngành công nghiệp đặc biệt dễ bị gián đoạn nguồn cung. Ảnh: AP

Vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn chip và chất bán dẫn. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng của nhiều nhà sản xuất lớn nhất trong ngành sản xuất ô tô, bao gồm General Motors, Honda, Nissan, Volkswagen, Ford, Toyota và Stellantis...

Honda thông báo: "Chúng tôi tiếp tục gặp rắc rối trong chuỗi cung ứng bởi sự tắc nghẽn tại các cảng vận chuyển do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiếu hụt chip, cùng thời tiết mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt. Công ty cho biết, hầu hết các nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ và Canada đã tạm ngừng sản xuất kể từ ngày 22/3, thông tin về thời gian kết thúc đợt điều chỉnh này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Hãng Ford cũng đang tạm ngừng hoạt động hai nhà máy sản xuất ô tô ở Louisville (Kentucky, Mỹ) và Cologne (Đức) do tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Riêng nhà máy lắp ráp ô tô ở Kentucky dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào ngày 30/3 tới.

Còn hãng Nissan đã cắt giảm hoặc hủy bỏ sản xuất một số mẫu xe như Murano và Rogue SUV, Leaf crossover và Maxima sedan. Toyota đã cắt giảm sản xuất các mẫu xe phổ biến ở Mỹ và Mexico, bao gồm cả sedan Camry và SUV RAV4.

Volvo, hãng sản xuất ô tô tải hạng nặng lớn thứ hai thế giới “sẽ thực hiện những ngày ngừng hoạt động sản xuất xe tải toàn cầu” trong quý II/2021. Cụ thể, hãng đang tính toán ngừng hoạt động từ hai đến bốn tuần tùy thuộc vào địa điểm sản xuất, đồng thời thừa nhận rằng ảnh hưởng của việc ngừng sản xuất đối với sản lượng ô tô sẽ rất “đáng kể”.

Nhiều 'ông lớn' ngành ô tô phải ngừng sản xuất do thiếu hụt linh kiện - Ảnh 2.

Nhà máy lắp ráp ô tô của Ford.

General Motors cũng phải ngừng hoạt động sản xuất trong những tuần gần đây do thiếu nguồn cung chip. Hãng đã khắc phục vấn đề bằng cách thiết kế lại mô-đun quản lý nhiên liệu cho các xe bán tải Chevrolet Silverado và GMC Sierra. Tuy nhiên, thiết kế này gây ảnh hưởng tới khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe.

Những chiếc ô tô ngày nay có thể phải sử dụng 100 bộ vi xử lý trở lên, khiến ngành công nghiệp này đặc biệt dễ bị gián đoạn do thiếu nguồn cung chip. Nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các nhà cung ứng chip buộc phải thực hiện quy định giãn cách, sản lượng cung ứng chip do đó cũng bị cắt giảm.

Các nhà sản xuất chip cho biết, họ không thể tăng cường sản xuất cho ngành công nghiệp ô tô kịp khi doanh số bán ô tô phục hồi. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden cũng đã kêu gọi 37 tỷ USD tài trợ ngành cung ứng chip và yêu cầu kết nối lại chuỗi cung ứng trong vòng 100 ngày. Tuy nhiên, không rõ khi nào nguồn cung mới phục hồi được như trước.

Ngoài việc thiếu hụt chip và chất bán dẫn trầm trọng, các nhà máy cũng thiếu dầu, nhựa, đệm ngồi... Nguyên nhân một phần do thời tiết băng giá gần đây ở Texas (Mỹ) làm đóng cửa các nhà máy sản xuất quan trọng.

Có thể nói, đây là thời điểm đặc biệt khó khăn đối với ngành công nghiệp ô tô. Hoạt động sản xuất ở Bắc Mỹ đã bị tạm dừng khoảng 2 tháng vào mùa xuân năm ngoái vì đại dịch. Rồi từ khi mở cửa trở lại, các nhà sản xuất ô tô đã phải "vất vả" để lấp đầy các showroom. Theo công ty nghiên cứu JD Power, tồn kho tại các đại lý Mỹ giảm ít nhất một triệu xe so với mức bình thường so với cùng kỳ các năm trước.

Nhung T. (Theo NBC)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.