Nhiều tập đoàn BĐS kiến nghị giãn nợ, tái cấu trúc nợ, nới room cho vay để hỗ trợ khả năng tài chính
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm 2022 chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Sáng 8/2, tại Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS), Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực, một số phân khúc có tỉ lệ rủi ro cao trong bất động sản như đầu cơ, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ, có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường. Chúng tôi cần kiểm soát chặt vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ thống và nền kinh tế".
Kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup chia sẻ, trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng. Trước đây, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì doanh nghiệp có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này, còn hiện tại thì không. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét hỗ trợ.
"Đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư", ông Hoa nói.
Đại diện Vingroup phân tích, BĐS là ngành bị đánh giá có hệ số rủi ro cao, lên đến 200% so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Do vậy, lãi suất cho vay BĐS luôn cao hơn các ngành khác, từ đó ảnh hưởng đến chủ đầu tư và khách hàng.
Tuy nhiên, ông Phạm Thiếu hoa cho rằng, với các dự án BĐS có đầy đủ pháp lý, quy mô thì nên xem xét, không đưa vào rủi ro nữa. Thêm nữa, hạn mức cho vay BĐS cũng hạn chế, góp phần khiến lãi suất tăng cao.
Kiến nghị giãn nợ, tái cấu trúc nợ, nới room cho vay để hỗ trợ khả năng tài chính
Bà Đỗ Thị Phương Nam, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), chia sẻ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua.
Đối với các khoản nợ nước ngoài, Novaland đã thuyết phục đối tác nhìn nhận đây là rủi ro thị trường để tiến hành tái cơ cấu. Còn với các khoản nợ trong nước, doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn. Một trong 4 kiến nghị của Novaland là mong NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.
Đại diện Novaland cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào thị trường này. Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chính vì vậy, đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, cái khó khăn nhất của các doanh nghiệp BĐS việc tiếp cận với khoản tín dụng mới và việc nhảy nhóm nợ. "Chúng tôi không sợ lãi suất vay của các ngân hàng dù đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%). Lãi suất vay đó chúng tôi chịu được nhưng vấn đề phải tiếp cận được", ông Châu nói.
Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị nhảy nhóm sang nhóm nợ xấu hơn. Doanh nghiệp có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu NHNN không cho phép nới một chút điều kiện vay vốn tín dụng, nhưng không phải là hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. Ngoài ra, người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định, năm 2023 là năm quyết định "sống, còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất cho phép cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… của các doanh nghiệp bất động sản. Bởi, đây cũng là giải pháp giúp neo niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nếu bị nhảy nhóm nợ, các doanh nghiệp cũng khó lòng phát hành trái phiếu.
Các doanh nghiệp cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.