Nhiều tổ chức đồng loạt thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021: Kịch bản xấu nhất xuống mức 3,5%, lạc quan nhất ở 6,2%

Đầu tư và Tiếp thị
03:18 PM 04/08/2021

Phòng phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 5,9% trong kịch bản cơ sở. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cũng dự báo GDP Việt Nam ở mức 4,5 - 5,1% nếu dịch được kiểm soát cuối quý 3/2021.

Vừa qua, CTCK Mirae Asset (MASVN) công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 7/2021. Theo đó, Mirae Asset hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 5,9% trong kịch bản cơ sở, từ mức 6,5% trong dự báo trước đó, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài hơn kỳ vọng.

Báo cáo nhận định, đà phục hồi kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch, cũng như tình hình triển khai vaccine ở Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam. Các động lực tăng trưởng có thể dần lấy lại đà hồi phục khi dịch được khống chế, bao gồm:

1) Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu;

2) Nhu cầu bên ngoài phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai vaccine toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước;

3) Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021 và sang 2022.

Trong khi đó, Chính phủ đã và đang tích cực thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong mùa dịch và lạm phát và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ du lịch, hàng không sẽ mất nhiều năm để hồi phục. Do đó, tiêu dùng sẽ có thể kéo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nhiều tổ chức đồng loạt thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021: Kịch bản xấu nhất xuống mức 3,5%, lạc quan nhất ở 6,2% - Ảnh 1.

Nguồn: ADB, VEPR, CIEM, Phòng Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam

Liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp, báo cáo cho hay, có 4 yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp duy trì đà phục hồi vào các tháng cuối năm nay, bao gồm:

1) Việt Nam đang nổ lực khoanh vùng, kiểm soát dịch và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội tại các điểm bùng dịch;

2) Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục (Tỉnh Bắc Giang đã trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 29/7);

3) Số lượng người được tiêm chủng vaccine gia tăng khi công tác tiêm chủng vaccine đã và đang được đẩy mạnh;

4) Các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang hướng tới miễn nhiễm cộng đồng, giúp thúc đẩy sự hồi phục nhu cầu tại các nước này.

Nhiều tổ chức đồng loạt thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021: Kịch bản xấu nhất xuống mức 3,5%, lạc quan nhất ở 6,2% - Ảnh 2.

Tăng trưởng chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) theo tháng. Nguồn: GSO, Phòng Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn