Nhiều tổ chức kinh tế dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP quý II/2024
Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong quý II/2024, đà hồi phục đang tiếp tục.
Chỉ còn nửa tháng nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ đi đến chặng cuối cùng của quý II/2024. Đến nay, dù số liệu thống kê chính thức chưa được công bố nhưng đã có nhiều dự báo về tăng trưởng GDP quý II/2024.
Gần đây nhất, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 6%, cao hơn mức tăng trưởng GDP 5,66% trong quý I. Dự báo này được UOB đưa ra dựa vào kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực, sản xuất, dịch vụ đều trong đà hồi phục.
Trong khi đó, Báo cáo đánh giá về Kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9 - 6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2%.
Theo nhóm chuyên gia của BIDV, dự báo trên nhờ các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; và kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...
Kém lạc quan hơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 chỉ trong khoảng 5,5 - 6% do tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của FED làm giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Còn Ngân hàng Standard Chartered ngay từ giữa tháng 4/2024 đã dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,3% trong quý II/2024, sau đó tăng dần lên 6% trong quý III và kỳ vọng lên tới 6,7% trong quý IV/2024. Theo Standard Chartered, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, bất chấp rủi ro.
Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, cả nước cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công bởi đây vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến đẩy mạnh giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với 2023.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ là nhóm “bổ trợ” thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá…
Cùng đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội...
Ngoài ra cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp vào tăng trưởng.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.