Nhiều tuyến đường được mở rộng sau khi TP. HCM vận hành và thu phí hạ tầng cảng biển

Đầu tư và Tiếp thị
04:26 PM 25/03/2022

Ngày 25/3, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM công bố chính thức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố từ ngày 1/4.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. HCM, theo Nghị quyết 10, từ 0h ngày 1/4, TP. HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trên địa bàn thành phố.

Trước đây, TP. HCM có kế hoạch thu phí hạ tầng cảng biển kể từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí được dời đến ngày 1/10/2021 và sau đó dời tiếp đến 1/4/2022.

Dời thời điểm thu phí với số tiền 2.205 tỷ đồng tiền phí dự thu được coi như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt bão Covid-19. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã lấy ý kiến của tất cả các hiệp hội, đơn vị liên quan với mục đích thống nhất chủ trương thu phí lấy nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, nguồn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 -  2025 dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng. Nguồn thu này được cho vào ngân sách thành phố để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 – 2025.

Để thực hiện xây dựng giao thông kết nối cảng biển, thành phố sẽ đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao Mỹ Thủy, khép kín đường Vành đai 2, mở rộng đường Võ Chí Công, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, nạo vét luồng Soài Rạp,..

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, ông Bùi Hòa An, toàn bộ phí được nộp cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cảng biển. Dự kiến các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển có tổng mức đầu tư khoảng 93.247 tỷ đồng giai đoạn 2020 – 2030.

Do đó, theo ông Bùi Hòa An, lộ trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ được đẩy nhanh hơn khi có nguồn thu phí cảng biển bổ sung vào ngân sách thành phố. Sau 5 năm khi thực hiện thu phí cảng biển cùng với sự đầu tư của thành phố, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ cơ bản hoàn thành theo quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. HCM cho biết, hình thức thu phí không dùng tiền mặt, các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí sử dụng giao dịch điện tử liên ngành ngân hàng để nộp phí. Hoạt động thu phí được thực hiện không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Việc nộp phí được thực hiện theo mô hình thu nộp 24/7 mà hải quan đang áp dụng. Do đó, việc nộp phí sẽ không làm phát sinh thêm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp. Ngoài ra, các khu vực cảng không cần thêm chốt hay trạm thu phí, nhân viên phục vụ, do đó không xảy ra tình trạng xe ùn ứ hay phải chờ đợi để khai báo khi vào cảng.

Minh Tiến
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.