Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất đánh thuế nhà và tài sản

Diễn đàn
07:04 PM 08/03/2022

Câu chuyện đánh thuế nhà và tài sản đã được đem ra "mổ xẻ" từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.

Động thái này diễn ra sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Một lần nữa, thông tin đánh thuế bất động sản đã dấy lên sự quan tâm trong dư luận nhất là trong bối cảnh giá đất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất đánh thuế nhà và tài sản - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở.

Cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình cụ thể

Quay trở lại với đề xuất trên, đa số các chuyên gia đều cho là cần thiết, song việc này cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình cụ thể và chỉ nên nhắm vào người giàu, đầu cơ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thuế nhà ở đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có. Do đó, việc hoàn thiện chính sách thuế đối với các tài sản có giá trị là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Vấn đề còn lại là sẽ thu thuế với tài sản nào, mức thu ra sao, trên căn cứ nào, ai định giá tài sản để tính thuế, lộ trình áp dụng,…

Riêng với đề xuất đánh thuế nhà, phải có ưu đãi thuế với người có nhà giá trị thấp, người chỉ có một nhà để gia đình ở.

Thuế chồng thuế là một trong những nguy cơ đầu tiên mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra khi đánh giá về đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở mà Bộ Tài chính đang đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành.

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất đánh thuế nhà và tài sản - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM. Ảnh: NVCC

Ông Châu cho rằng, việc đưa ra thuế tài sản với BĐS nhưng vẫn duy trì việc thu tiền sử dụng đất là một vấn đề cần xem xét

“Thuế là một công cụ rất hiệu quả nhưng nếu công cụ sai lại tác hại ghê gớm nên phải cân đối mọi thứ và phải phải nhìn vào tổng thể. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường”, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến BĐS. Ông lấy ví dụ về tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước. Nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế.

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, giá nhà ở trên thị trường sẽ tiếp tục tăng cao nếu phải gánh thêm thuế tài sản bởi mọi loại thuế, phí cuối cùng đều “chạy” vào giá thành. Khi đó, những đối tượng khách hàng cuối cùng, gồm cả người mua và người thuê, sẽ chịu thiệt. Đồng nghĩa, mục tiêu giảm nhiệt thị trường nhà ở và bảo vệ người có thu nhập thấp của thuế tài sản sẽ khó đạt được.

Nhiều lần đề xuất

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở. Tháng 4/2018, Bộ này từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, song, do vấp phải sự phản ứng của dư luận, đề xuất đã bị thu hồi. Gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra khắp nơi, ý tưởng về đánh thuế tài sản tiếp tục được Bộ Tài chính xới lại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thực tế của nước ta hiện nay, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3… để ngăn đầu cơ là không dễ dàng.

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất đánh thuế nhà và tài sản - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, ở Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà”, “căn nhà thứ 2” “căn nhà thứ 3”... Hơn nữa, quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...

Cũng hoài nghi về tính bất khả thi của việc áp thuế tài sản với nhà ở, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng chỉ tại các thị trường minh bạch mới đánh thuế tài sản được. Tại Việt Nam, đến khi nào mọi giao dịch mua bán đều qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, các nguồn thu nhập đều chứng minh được nguồn gốc thì mới có thể tính đến việc đánh thuế tài sản.

Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của thuế nhà ở mà Bộ Tài chính đề xuất là tăng thu cho ngân sách chứ không phải chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường. Đáng nói, đây không phải giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay do thị trường BĐS Việt Nam chưa đủ “sức khỏe” để chống chịu “cú đánh” mạnh từ thuế tài sản. Nếu bị áp thuế tài sản, thị trường BĐS còn non trẻ có thể lập tức sụt giảm, thậm chí là đóng băng. Như thế, không những các mục tiêu khó đạt, việc thu thuế còn gây hoang mang trong xã hội khiến thị trường BĐS vốn đã khó càng khó thêm.

Giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất để giải quyết các bất cập của thị trường hiện nay là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Tình trạng đầu cơ nảy sinh bắt nguồn từ sự khan hiếm nguồn cung. Ngược lại, nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp tạo lập một thị trường BĐS minh bạch, vừa giúp kéo giảm giá nhà, giảm tình trạng đầu cơ, từ đó tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.