Nhìn lại quy mô các gói kích thích kinh tế của Việt Nam so với GDP năm 2021

Tài chính - Đầu tư
09:32 AM 17/10/2021

Theo BVSC, tổng quy mô các gói kích thích của Việt Nam trong năm 2021 rơi vào khoảng 160.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự tính từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 gói kích thích khác.

Theo báo cáo chiến lược Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố, quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn tương đối thấp so với các gói trước đó.

Nhìn lại quy mô các gói kích thích kinh tế của Việt Nam so với GDP năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: World Bank document, IMF, BVSC

Cụ thể, quy mô các gói hỗ trợ trong năm 2021 chỉ chiếm 1,83% GDP, trong khi các gói hỗ trợ trước đó vào năm 2020 hay năm 2009 lên tới 3,6% - 8,3% GDP.

So với một số quốc gia trên thế giới, gói kích thích kinh tế của Việt Nam còn tương đối nhỏ, chiếm 2% GDP. Trong khi đó, tại Nhật Bản quy mô gói lên tới 56% GDP hay tại Đức gói hỗ trợ chiếm tới 39% GDP.

Nhìn lại quy mô các gói kích thích kinh tế của Việt Nam so với GDP năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Statista, BVSC

Báo cáo của BVSC ước tính, tổng quy mô các gói kích thích của Việt Nam trong năm 2021 vào khoảng 160.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự tính từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 gói kích thích khác bao gồm:

Gói hỗ trợ người dân thông qua các việc làm ngắn hạn (23.000 tỷ đồng);

Dự phòng ngân sách trung ương cho phòng chống dịch Covid-19 (14.620 tỷ đồng);

Gói miễn giảm lãi suất 4 tháng cuối năm với quy mô dự kiến 20.000 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện các gói này hiện chưa được cập nhập.

Nhìn lại quy mô các gói kích thích kinh tế của Việt Nam so với GDP năm 2021 - Ảnh 3.

Nguồn: IMF, BVSC

Tiền gửi từ dân cư tiếp tục tăng chậm, một phần trong đó đã chuyển sang chứng khoán

Báo cáo nhấn mạnh, lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại. Trong 7 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,97% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%.

Theo đó, một phần dòng tiền gửi từ dân cư hoàn toàn có khả năng đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Trong các tháng cuối năm, BVSC đánh giá lãi suất huy động sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong quý 4 được dự báo sẽ tăng tốc mạnh hơn so với quý 2 và quý 3, do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và doanh nghiệp hồi phục tích cực, tín dụng cho cả năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 12% - 13%.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn đang duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ, gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở trong hơn 1 năm trở lại đây trong khi cầu vốn có dấu hiệu tăng chậm lại. Nhờ đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào trong quý 3.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp so với mức trước khi có dịch Covid-19 (0,5% - 2%/năm).

Anh Vũ
Ý kiến của bạn