Nhịp cầu bạn đọc

Cùng bạn đọc
11:06 PM 30/09/2020

Tuần qua, Tạp chí DN&TT nhận được đơn thư của bạn đọc là vợ chồng anh Nguyễn Kim Luyênh và chị Nguyễn Thị Xen (ở 537, tổ 30, khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và của ông Nguyễn Văn Nghĩa, trú tại xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Hành trình đi đòi công lý

Tuần qua, Tạp chí DN&TT nhận được đơn thư của bạn đọc là vợ chồng anh Nguyễn Kim Luyênh và chị Nguyễn Thị Xen (ở 537, tổ 30, khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kêu cứu vì bị Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyên xử bản án xét xử sơ thẩm số 61/2020/DSST ngày 27/8/2020 buộc chị Xen và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải giao trả cho nguyên đơn là bà Bùi Bích Phương (ở 71, đường 2, phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) 253,7 m2 đất thuộc thửa đất số 83, tờ bản đồ số 75, giới hạn bởi các mốc (1,2,A,4,5,6…14,15,1), bản đồ hiện trạng khu đất số 6081/2019, ngày 06/9/2019 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa và toàn bộ nhà, công trình xây dựng trên đất.

Theo đó, vợ chồng anh Luyênh, chị Xen kháng cáo toàn bộ bản án nói trên với những lý lẽ như sau:

Thứ nhất: Mảnh đất, nhà nói trên được xác lập quyền sở hữu của ông Kiên sau khi được mua của chủ cũ là bà Phạm Thị Hiến vào năm 2000 (theo lời khai của chính nguyên đơn là bà Phương trước tòa) hay vào năm 2001 (theo lời khai của bị đơn là chị Xen trước tòa) trong thời gian ông Kiên đang chung sống có đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị Sĩm (mẹ của chị Xen) từ năm 1985. Đến năm 2008, Ông Kiên mới ly hôn với bà Sĩm (theo Bản án số 22/2008/HNGĐ - PT ngày 16/9/2008, đã có hiệu lực pháp luật). Do vậy, số tài sản nói trên đương nhiên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chung cả hai vợ chồng ông Kiên và bà Sĩm trong thời gian họ sống chung với nhau.

Thứ hai: Số tài sản đất, nhà và công trình trên đất nói trên được ông Kiên, trước khi mất, đã bán cho vợ chồng chị Xen với giá 750 triệu đồng vào ngày 27/3/2016 (theo giấy chuyển nhượng nhà đất, tuy chỉ được viết tay, nhưng có sự chứng kiến của bà Phạm Thị Là tổ trưởng tổ dân phố số 28, khu phố 3, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa). Từ khi mua được đất, chị Xen liên tục đóng thuế sử dụng đất đến nay. Đương nhiên số tài sản đó hiện đang thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ chồng chị Xen.

Thứ ba: Trong khi đã có vợ hợp pháp là bà Sĩm (theo giấy kết hôn nói trên), từ tháng 12/1991, theo lời khai của bà Phương, ông Kiên có quan hệ thêm với bà Bùi Bích Phương, mặc dù có đăng ký kết hôn Ủy ban nhân dân phường Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng theo pháp luật, không thể được coi đó là quan hệ vợ chồng hợp pháp. Do vậy, đất, nhà và công trình xây dựng trên đất mà quý tòa đang xem xét nói trên không thể được coi là tài sản chung của ông Kiên và bà Phương, theo pháp luật.

Thứ tư: Không chứng minh được đó là tài sản chung hợp pháp theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, trước tòa, bà Phương viện dẫn chứng cứ biện minh cho rằng đó là tài sản do bà đã cùng ông Kiên tạo lập. Rằng, từ năm 2002 đến năm 2009, bà Phương là người đã mua vật liệu xây dựng tại cửa hàng của ông Đặng Đình Hóa để cùng ông Kiên xây dựng căn nhà nói trên, với tổng trị giá lên đến 200 triệu đồng(?). Tuy nhiên, theo xác nhận của ông Hóa, bà Phương tuy có mua vật liệu xây dựng của cửa hàng ông và ông có cho bà Phương một tờ hóa đơn khống có chữ ký của ông. Thực tế, theo ông Hóa, danh mục hàng hóa và số tiền trong tờ hóa đơn đó không phải là chữ viết của ông. Mặt khác, bà Phương không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy, số vật liệu xây dựng do bà mua về (nếu có) được dùng vào việc xây dựng căn nhà được quan tâm, xem xét tại phiên tòa này. Do vậy, không thể khẳng định được đó là tài sản do bà Phương đã cùng ông Kiên tạo lập.

Nhịp cầu bạn đọc - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nguyễn Kim Luyênh và bà Nguyễn Thị Xen trước ngôi nhà do bố cô để lại, hiện đang bị bà Phương tranh chấp (ảnh do bà Xen cung cấp).

Từ những lý lẽ nói trên, vợ chồng chị Xen khẳng định: Mình đang có đầy đủ quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với số tài sản đất, nhà nói trên. Bị đơn cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm vụ này đã cố ý làm trái pháp luật, giải quyết vụ án không đảm bảo tính khách quan, gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. "Vì vậy, tôi kính mong Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét và sửa Bản án số 61/2020/DSST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa theo hướng bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp cho vợ chồng tôi đối với thửa đất số 83, tờ bản đồ số 75, có diện tích 253,7 m2, tọa lạc tại 537G, tổ 28, khu phố 3, quốc lộ 51, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cũng như nhà và công trình trên đất" - đơn của vợ chồng chị Xen viết.

Bà Đinh Thị Dung, người từng thuê căn nhà 537G nói trên của ông Kiên cho hay, một hôm vào nửa đêm, có tiềng xe ô tô đỗ xịch trước cửa nhà cùng nhiều tiếng người nói qua, nói lại. Hỏi ra mới hay đó là xe ô tô cấp cứu do bà Phương đưa ông Kiên ốm nặng trở về trả cho gia đình bà Luyến - người em gái chăm nuôi. Đoạn vài ngày lại thấy bà Phương trở về đòi ông Kiên đưa giấy tờ căn nhà này cho bà ấy. Ông Kiên không đồng ý, bà Phương quậy phá một lúc xong bỏ mặc kệ ông Kiên với mớ bệnh tật trong người đang đến hồi nguy kịch. Bà Luyến thuê xe ô tô chở ông Kiên đi viện. Bà Phương quay lại cắt khóa khiến bà Dung buộc phải gọi Công an phường Long Bình can thiệp. Đi viện về, thấy bà Dung sang chơi hỏi thăm, ông Kiên giãi bày tâm sự: "Anh còn có căn nhà số 71, đường 2, Phước Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã được làm giấy tặng lại mẹ con Phương rồi. Còn căn nhà này, nguyện vọng của anh là bán cho vợ chồng con Xen để lấy tiền mua thuốc men chữa bệnh, số còn lại muốn đưa cho vợ là Sĩm trang trải nợ nần trước kia đã từng vay cho anh, cũng là để có tiền sau này anh chết lo hậu sự cho anh. Ngoài ra, anh cũng muốn nhờ bà Sĩm lo liệu việc nhà cho mình. Anh còn mẹ già yếu và mồ mả các cụ ở quê Hải Phòng chưa xây được". Người hàng xóm kể hôm sau sang chơi thấy ông Kiên đã bán căn nhà được 750 triệu đồng, đang ngồi đếm tiền trước sự chứng kiến của bà Sĩm (vợ ông), bà Là (Tổ trưởng dân phố) và anh Luyênh (chồng chị Xen và cũng là con rể ông Kiên).

"Là vợ chưa hợp pháp, đã được ông Kiên cho một căn nhà đàng hoàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phương, một cô giáo, vẫn chưa thỏa mãn, lại còn về thành phố Biên Hòa định chiếm thêm cái nữa. Trong khi đó, bà Sĩm, người vợ chính thức của ông bao nhiêu năm dài chu cấp tiền của cho ông Kiên đi làm ăn xa rồi bị ông bỏ mặc, để bà một mình nuôi con khôn lớn. Bà Sĩm không những không đòi hỏi gì ở ông mà vẫn dang tay đón ông trở về lúc cuối đời, chăm sóc ông trọn nghĩa vẹn tình lúc ốm đau rồi lo hậu sự cho ông. Vậy mà bà Phương vẫn đang tâm cướp đoạt chỗ nương náu cuối cùng này của mẹ con bà Sĩm…" - Bà Dung, người hàng xóm của ông Kiên, không khỏi bất bình trước hành động của bà Phương và vô cùng xót xa cho mẹ con bà Sĩm như vậy. Tình cảnh trớ trêu của ông Kiên cũng như nỗi bất công mà người vợ chính thức của ông - bà Sĩm đang phải chịu bấy lâu nay cũng được người con của họ là chị Xen kể lại rành rọt với nhà văn, nhà báo Trần Đình Nghiêm, cộng tác viên lâu năm của tạp chí chúng tôi.

Về vụ án này, tại Quyết định số 1516/QĐ-KNPT-DS ngày 07/9/2020, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa đã kháng nghị bản án nói trên theo thủ tục phúc thẩm và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng pháp luật.

Tòa soạn Tạp chí DN&TT kính chuyển vụ việc này tới Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết công tâm, công bằng, giành lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mẹ con bà Sĩm, chị Xen trả lời để bạn đọc rõ.

Cần xem lại việc thu hồi đất, hủy hoại tài sản của dân

Tuần qua, tòa soạn Tạp chí DN&TT cũng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Nghĩa, trú tại xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn nêu, nhà ông có thửa đất ở trên con đường độc lập, từ xưa đến nay không bị ai tranh chấp. Phía Nam khu đất giáp đường liên gia (chỉ có hai nhà: Nhà ông Nghĩa và nhà ông Nguyễn Văn Lệ, bác của ông Nghĩa). Phía Bắc giáp đường liên thôn. Phía Đông giáp khu mộ. Phía Tây giáp đất của bà con trông cây xanh, sau UBND xã thu hồi xây hội quán. Năm 2019, hội quán được dời đi nơi khác, thửa đất này được UBND xã bán cho ông Lê Văn Nhâm, người cùng thôn (là anh em kết nghĩa với Chủ tịch xã).

Tháng 5/2019, ông Nhâm xây tường bao phá hủy của ông Nghĩa 1 trụ cột cồng, lấn chiếm nhà ông 0,25m đường đi, cắt chuyển cho ông Hoàng Văn Thành khoảng 15 m2 đất phía sau nhà ông Nghĩa.

Tháng 12/2019, ông Nhâm dùng máy cắt đưa 3 khối bê tông khoảng 4 tấn chắn cổng và đường đi nhà ông Nghĩa cản trở việc đi lại của gia đình ông.

Trong việc này, ông Nghĩa cho biết, đã gửi đơn đến các cấp, các ngành từ xã Xuân Hội đến huyện Nghi Xuân đề nghị, tố cáo một số cán bộ lãnh đạo ở đây đã và đang tiếp tay bao che cho ông Nhâm thực hiện những hành vi sai trái nói trên nhưng không được giải quyết. Không chỉ có vậy, theo đơn của ông Nghĩa, ngày 6/7/2020, UBND xã Xuân Hội thành lập đoàn công tác phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân đến đòi tháo dỡ hệ thống cổng nhà ông Nghĩa. "Họ ngồi lì tại nhà tôi từ 15h đến 21h cùng ngày thì kéo nhau về rồi loan tin thất thiệt cho rằng tôi nhốt người trái phép" - đơn ông Nghĩa cho biết. Kế tiếp ngày 7/7/2020, "một số người mặc sắc phục công an" không biết vì sao lại vào Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đòi bắt giữ con của ông trong khi tiết học đang diễn ra. Ngày 28/8/2020, trong khi gia đình ông đang đi vắng thì UBND xã Xuân Hội "đem máy cẩu, cùng lực lượng rất đông phá hủy chiếc cổng của nhà ông, gây mất cắp cho nhà ông 1 máy cắt màu xanh, 1 máy khoan màu đỏ và 31 triệu đồng".

"Sáng ngày 1/9/2020, tôi đến trình báo Công an xã sự việc nói trên được họ hướng dẫn tôi làm tờ trình. Qua 2 ngày lễ, tôi đến gửi đơn trình báo kèm theo nhiều bằng chứng nhưng phía Công an xã không chịu lập biên bản làm việc và thẳng thừng từ chối điều tra vụ việc", đơn của ông Nghĩa viết. Sau đó, nhiều lần tuy được Công an huyện Nghi Xuân triệu tập, cuối cùng họ từ chối thụ lý điều tra vụ án, chuyển vụ việc lên Công an huyện Nghi Xuân. Cơ quan này gửi cho ông Nghĩa tờ Thông báo nội dung: Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân "đang xác minh, giải quyết".

Cũng từ xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Kim Quế có đơn gửi Tạp chí DN&TT nêu: Hơn 44 năm qua ông đội đơn đến các cơ quan Đảng và Nhà nước khiếu nại về việc UBND xã này "lợi dụng" việc khoanh vùng đổi thửa lấy 9 sào đất ruộng 2 vụ lúa của gia đình ông đang sử dụng từ năm 1976 ở xứ đồng Trộp, đến nay chưa giải quyết trả lại. Bị mất đất, ông buộc phải xoay nghề sang đi buôn cá chuyến. Khi có khoán 10, ông gửi đơn xin vào HTX cũng không được giải quyết…

Ngoài ra, đơn ông Quế còn cho biết, trong thời gian khiếu kiện vụ việc nói trên, ông bị ông Trần Xuân Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đi xe máy đè lên người làm ông bị gãy 7 chiếc xương sườn, vỡ xương chậu. Đơn của ông Quế còn đề cập đến một số vụ việc khác như: Ông Võ Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội "chuyển 35ha đất 1 vụ lúa đồng Đê vào quy hoạch nuôi tôm nước mặn trong đó có 3 ha hiện trạng là đất của ông do mua, chuyển đổi và thừa kế của ông, bà, cha, mẹ để lại, không bị ai tranh chấp. Số diện tích đất này của ông có giấy tờ, tài liệu minh chứng chủ quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông, có bờ thửa nhưng đã bị UBND xã đem máy móc tự ý ủi đi để phi tang (!) rồi chuyển cho cá nhân ông Đặng Kỳ là cậu em mẹ của ông Võ Văn Tùng làm hồ nuôi tôm. "Tôi thuê người đắp bờ bao giữ đất, UBND xã liền cho nước biển vào ngập đồng khiến tôi không thể ngăn nước mà canh tác tiếp được" - đơn của ông Quế viết.

Trắng đồng nước biển, ông đem lưới thả trong ruộng bị cướp để thu hoạch tôm cá tự nhiên thì bị ông Kỳ kêu người nhà, bà con đánh đuổi, dọa giết. Ông Quế cho hay, nhiều lần sau đó, ông tiếp tục bị đánh, bị đe dọa, thậm chí còn bị công an xã đánh đập, trói như trói tội phạm rồi bắt lên xe kéo rác kéo về trụ sở UBND xã, giam từ 14-21h trong ngày 9/8/2010… Sau khi đi điều trị ở bệnh viện trở về, ông còn bị UBND xã xử phạt hành chính 2 triệu đồng vì tội "chống người thi hành công vụ". Ngoài việc của mình, ông Quế còn tố giác ông Tùng tham nhũng hàng tỷ đồng tại các dự án nuôi trồng thủy sản, tái định cư, điện dân dụng… dẫn đến buộc phải bị nghỉ việc, chờ cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Đơn ông Quế cho hay, ông Trần Sơn Hương lên làm Chủ tịch UBND xã Xuân Hội lợi dụng chức quyền cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, xác nhận thiệt hại do sự cố môi trường biển sai đối tượng…

Tạp chí DN&TT kính chuyển đơn của các ông Nguyễn Văn Nghĩa và Trên Kim Quế đến UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

BBT
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.