NHNN đã hút về 130.000 tỷ đồng qua 9 phiên phát hành tín phiếu

Tài chính - Đầu tư
10:24 AM 22/03/2024

Ngân hàng Nhà nước đã có 9 phiên khởi động lại việc chào bán tín phiếu, từ ngày 11-21/3. Sau 9 phiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng gần 130.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từ 1,32-1,4%.

Phiên gần nhất, ngày 21/3, NHNN tiếp tục hút 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, tổng cộng có 11 thành viên tham gia đấu thầu và trúng thầu. Lãi suất trúng thầu đã giảm 0,02 điểm phần trăm so với phiên trước, xuống 1,32%/năm.

NHNN đã hút về 130.000 tỷ đồng qua 9 phiên phát hành tín phiếu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đánh giá về vấn đề này, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, hoạt động hút ròng tín phiếu chủ yếu là hoạt động nghiệp vụ, công cụ điều tiết và không hàm ý đảo chiều chính sách.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, dư địa về thanh khoản hệ thống khá dồi dào (tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023), có thể khiến nhà điều hành tiếp tục duy trì hoạt động hút tiền ít nhất trong vòng 2 tuần tới.

SSI ước tính rằng tổng khối lượng hút ròng là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, tương như như giai đoạn cuối năm 2023.

Tuy nhiên, SSI cũng khuyến nghị với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá cao, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Từ đầu năm đến nay, giá USD niêm yết tại các ngân hàng tăng khoảng 1,8%, riêng USD trên thị trường tự do tăng gần 4%.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc phân tích cao cấp Khối xếp hạng và Nghiên cứu mảng kinh tế vĩ mô, VIS Ratings cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ giá tăng là do chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD. Sự chênh lệch này khó được rút ngắn một khi Fed chưa hạ lãi suất.

Liên quan đến động thái liên tục hút ròng của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm giảm bớt sự dư thừa thanh khoản của hệ thống, vừa hỗ trợ tỷ giá.

Với diễn biến tỷ giá, tín dụng như hiện nay, theo ông Lực, NHNN không cần và không nên giảm tiếp lãi suất điều hành. Nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá.

Với thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định rằng việc NHNN hút ròng không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán bởi đây chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong điều hành và nhằm bình ổn tỷ giá chứ không tác động nhiều đến dòng tiền.

Cũng nhận định tương tự, ông Nguyễn Đình Duy cho rằng, biên độ biến động tỷ giá năm nay sẽ nằm trong mức an toàn và không tác động tới các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Hiện tại, cán cân thanh toán, cán cân ngoại tệ của Việt Nam vẫn an toàn nhờ xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, kiều hối… vẫn tăng trưởng tốt.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn