NHNN đang từng bước xóa bỏ "room" tín dụng
NHNN đang nghiên cứu kỹ lộ trình bỏ room tín dụng trên cơ sở đánh giá các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội, vấn đề xóa bỏ công cụ trần tín dụng ("room" tín dụng) thu hút sự quan tâm lớn. Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ chế "room" tín dụng đã được áp dụng nhiều từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng.

Ông nhắc lại, trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng 2007-2011, tín dụng đã tăng trưởng quá "nóng", trung bình trên 33%/năm, riêng năm 2007 đạt kỷ lục 53%, đẩy lạm phát lên cao và gây ra hàng loạt bất ổn. Trong bối cảnh đó, từ năm 2012, "room" tín dụng được NHNN thiết kế như một "van an toàn" để bảo vệ hệ thống ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng thẳng thắn nhận định rằng, không có một công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Thực tế, việc duy trì room tín dụng là không còn phù hợp khi ngành ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II, nhiều ngân hàng tuân thủ hệ số an toàn vốn (CAR), giới hạn tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR)… Trong khi đó, room tín dụng lại là công cụ hành chính cứng nhắc, khiến thị trường tín dụng bị "trói tay", kìm hãm năng lực tự điều tiết của các ngân hàng.
Để thay thế công cụ hành chính này, NHNN có thể vận hành một loạt biện pháp thị trường. Chẳng hạn, hệ số CAR sẽ buộc ngân hàng phải tăng vốn khi muốn đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; công cụ dự trữ bắt buộc có thể điều tiết tổng phương tiện thanh toán; còn nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cho phép linh hoạt bơm/hút vốn ngắn hạn mà không cần biện pháp mệnh lệnh.
Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm thích hợp để NHNN thực hiện chuyển đổi, khi các ngân hàng đã "trưởng thành" hơn về năng lực quản trị rủi ro. Việc bỏ room tín dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, tự chủ và minh bạch cho hệ thống ngân hàng, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát tín dụng thông qua các tiêu chí tài chính cụ thể, thay vì mệnh lệnh hành chính.
Vì vậy, trong những năm gần đây, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế.
Từ đầu năm 2024, NHNN đã chuyển sang giao chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có kiểm soát, thay vì áp dụng đồng loạt như trước. Bước sang năm 2025, chỉ tiêu tín dụng đã được gỡ bỏ hoàn toàn đối với ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong lộ trình tiến tới bỏ hoàn toàn công cụ "room" tín dụng.
Vụ trưởng khẳng định, NHNN cần có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế.
Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam rằng, nếu bỏ room thì NHNN cần có tính chủ động rất cao trong các quyết sách điều hành lãi suất. Bởi vì khi bỏ room tín dụng thì chắc chắn dư nợ tín dụng nhiều tổ chức sẽ tăng cao, lãi suất cũng sẽ tăng cao.
Thực tế, chuyện bỏ "room" tín dụng đã được đưa lên bàn nghị sự nhiều lần. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo NHNN khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính này, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng từng chia sẻ quan điểm thận trọng về vấn đề này. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc nêu thực tế tổng dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã chạm ngưỡng 134%, do đó việc tiếp tục phụ thuộc tín dụng ngân hàng có thể gây rủi ro cho hệ thống và cả nền kinh tế, khiến khó đảm bảo tăng trưởng cao đi kèm ổn định bền vững.
Minh An (t/h)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 201.390 tỷ đồng qua đấu thầu trái phiếu chính phủ, đạt 40% kế hoạch năm 2025.