NHNN: Đề xuất luật hóa xử lý nợ xấu

Ngân hàng
10:48 PM 02/10/2020

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ xem xét, nghiên cứu việc Luật hóa xử lý nợ xấu

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 diễn ra vào ngày 30/9/2020, đại diện NHNN đã đưa ra một bức trong toàn cảnh về công tác xử lý nợ xấu. Theo đó công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên cho đến nay việc xử lý nợ xấu vẫn chưa có luật để điều chỉnh… Ngân hàng nhà nước đang xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, xác định việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu (XLNX) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành ngân hàng trong suốt giai đoạn 2016-2020, NHNN cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngành ngân hàng với hệ thống các văn bản QPPL khác, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan, cụ thể hóa các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm XLNX của các TCTD (NQ 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1058), bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được bước tiến dài sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài suốt từ đầu năm đến nay cũng đã "bào mòn sức khỏe" tài chính của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến nợ xấu có thể gia tăng trong nửa cuối năm 2020 và kéo dài sang các năm sau đó. 

Khi nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực thi hành, lượng nợ xấu nội bảng ngân hàng được xử lý bằng cách khách hàng tự trả nợ chiếm tới hơn 40% tổng nợ xấu xử lý, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước.

NHNN: Đề xuất luật hóa xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề 'Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách'.

"Nghị quyết 42 khẳng định một lần nữa quyền của chủ nợ, nghĩa là trong trường hợp cần thiết Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản thế chấp của bên vay. Có thể nói đây là biện pháp mạnh, thay đổi căn bản ý thức của khách hàng trong vấn đề trả nợ. Hiện tượng khách hàng không trả nợ, chây ỳ cũng giảm đi rất nhiều", ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC, cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện VAMC, NQ 42 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/08/2017. Do đó, sau thời điểm NQ 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý tài sản đảm bảo bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.

Dù đã có cơ chế, nhưng sự hướng dẫn, giải quyết vướng mắc, hay thực sự vào cuộc của nhiều địa phương được đánh giá là vẫn còn chậm.

"Nhiều khoản vay phải xử lý quá lâu quá dài, có khoản 2-3 năm, có những khoản 5 năm. Khi đó, không có sự vào cuộc cơ quan chức năng thì bên vay không hợp tác, dẫn đến bế tắc", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, nhận định.

Đại diện NHNN cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ xem xét, nghiên cứu việc Luật hóa xử lý nợ xấu; trước mắt, trong giai đoạn tới sẽ nghiên cứu sửa đổi thông tư 01 về hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với COVID-19 theo hướng đảm bảo cân bằng với rủi ro nợ xấu phát sinh của ngành ngân hàng giai đoạn tới.

P. Thủy
Ý kiến của bạn