NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro một số khoản vay
Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm hệ số rủi ro cho nhiều khoản vay trong lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp nông thôn.
Hiện nay, hệ số rủi ro khi cho vay lĩnh vực bất động sản công nghiệp là 200%, nghĩa là khi ngân hàng cho dự án bất động sản khu công nghiệp vay 1 đồng thì phải có 2 đồng vốn chủ sở hữu.
Trên thực tế, hệ số rủi ro cao thì các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Vì vậy, khi hệ số này giảm thì số tiền đáng ra phải trích lập dự phòng như quy định trước đây có thể dùng để cho vay thêm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, điều chỉnh giảm hệ số rủi ro một số khoản vay bất động sản như nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp nông thôn.
Theo Thông tư 41, các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, dự án hỗ trợ của chính phủ sẽ được điều chỉnh hệ số rủi ro xuống tối đa là 50%. Tỷ lệ đảm bảo (LTV) cũng được điều chỉnh từ 100% trở lên và tỷ lệ thu nhập (DSC) trên 35%. Hệ số rủi ro tối thiểu là 20%, tương ứng với tỷ lệ đảm bảo dưới 40% và tỷ lệ thu nhập dưới 35%.
Hệ số rủi ro đối với các trường hợp vay mua nhà còn lại sẽ được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100% như trong Thông tư 41, tùy thuộc vào tỷ lệ tỷ lệ đảm bảo và tỷ lệ thu nhập.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng đối với các tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%.
Đối với các khoản vay phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ, Thông tư 22 cũng quy định thêm hệ số rủi ro là 50%.
Các chuyên gia đánh giá, những thay đổi về hệ số rủi ro tín dụng đối với nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp, nông nghiệp nông thôn cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm giải quyết một phần nút thắt về nguồn vốn và hỗ trợ các lĩnh vực tạo ra giá trị thật, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.