NHNN: Mục tiêu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-1% nhằm hỗ trợ các đối tượng được ưu tiên do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Vừa qua, NHNN vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tại các tỉnh Bạc Liêu, Yên Bái, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng về giảm lãi suất vốn vay ngân hàng, nới lỏng điều kiện cho vay với các khoản vay mới.
Theo đó, NHNN tập trung giải đáp các vấn đề về giải pháp hỗ trợ người dân về vay vốn để người dân tiếp tục tái tạo sản xuất, ổn định cuộc sống trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; xem xét thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ, tăng hạn mức tín dụng, nới lỏng điều kiện cho vay với các khoản vay mới; giảm lãi suất vốn vay ngân hàng…
NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Song song với đó là tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp với thực tiễn thị trường, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống nhằm hỗ trợ các đối tượng vay vốn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, NHNN cho biết trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, NHNN đã và đang triển khai các giải pháp nhanh chóng, kịp thời về chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể năm 2020, mức lãi suất điều hành đã giảm mạnh 1,5-2%, đây là một trong những mức giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực. Đồng thời NHNN cũng đã tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Thời gian qua NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 0,82%/năm trong năm 2021.
Đặc biệt, số tiền mà hệ thống các TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi, phí, tham gia công tác an sinh xã hội lên tới gần 40.000 tỷ đồng, được sử dụng bằng chính nguồn lực tài chính của mình.
Đối với kế hoạch năm 2022-2023, NHNN cho biết, cơ quan này này đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm tới, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Hơn nữa, để bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là người lao động, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tại Nghị quyết số 43/2022/QH (ngày 11/1/2022) và Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ đạo hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 với tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng. Trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất trong quý I/2022.
Về vấn đề cơ cấu thời hạn trả nợ, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thì ngay từ đầu năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo Thông tư trên, thời gian thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí của các TCTD, chi nhánh NHNN được kéo dài đến ngày 30/6/2022 (thay vì đến ngày 31/12/2021).
Về đề nghị nới lỏng điều kiện cho vay, NHNN cho biết, các giải pháp đặc thù ngành Ngân hàng đã và đang triển khai thời gian qua là nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các TCTD. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này.
Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Chia sẻ về định hướng điều hành trong thời gian tới, NHNN trả lời: "Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi".
Hiểu LamKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.