NHNN sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 thêm 6 tháng
Tại buổi họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý I/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay.
Do đó, NHNN sẽ kéo dài thời gian áp dụng thông tư này đến hết năm 2024. Điều này đồng nghĩa nhà điều hành cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn đến cuối năm nay, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 như quy định cũ.
Lý giải lý do chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó Thống đốc cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng.
"Tùy theo tình hình thực tế, NHNN sẽ xem xét việc dừng hay gia hạn thêm hay không", Phó thống đốc Tú nói thêm.
Thông tư 02/2022 cũng quy định các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% cuối năm 2024.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây; trong đó, có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.